Tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả tại huyện nghèo Bác Ái

Thời gian qua, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tín dụng chính sách xã hội (TDCS), đã góp phần hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận).

Vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội giúp cho hàng ngàn người dân huyện Bác Ái có cơ hội đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

 

Bác Ái là huyện miền núi, là 1 trong 62 huyện nghèo cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, với 9/9 xã, có 36/38 thôn đặc biệt khó khăn và trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên do việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… dẫn đến việc triển khai TDCS trên địa bàn gặp những khó khăn nhất định, nguyên nhân là do đa số hộ dân còn có tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, một số hộ sau khi vay vốn chưa thực hiện nghiêm túc trong việc trả nợ gốc và lãi theo quy định. Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, cho biết: Xuất phát từ thực trạng nêu trên, đơn vị đã tập trung nghiên cứu các giải pháp đề xuất, tham mưu cho Huyện ủy, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện ban hành kế hoạch, tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy hiệu quả vai trò phối hợp của các phòng, ban liên quan, tổ chức hội, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ, xem tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước là công cụ thiết thực đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân tại địa phương.

Một trong những giải pháp quan trọng, đưa hoạt động TDCS càng đi vào chiều sâu, chính là việc đơn vị chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện, xã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích từ các chương trình cho vay của NHCSXH; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch huyện trong hoạt động ủy thác, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát, thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng; xây dựng kế hoạch, rà soát, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Với tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng hoạt động tín dụng từng bước được nâng lên. Trong giai đoạn 2015 - 2020, nguồn vốn TDCS đã giúp cho hơn 9.700 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi; thu hút và tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động; trên 370 lượt học sinh, sinh viên vay vốn học tập; cải tạo và xây mới 1.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; sửa chữa và xây mới trên 1.000 căn nhà cho hộ nghèo,… với tổng doanh số cho vay đạt trên 287,8 tỷ đồng; tỷ lệ thu lãi hàng năm đạt 100% kế hoạch; huy động tiền gửi tiết kiệm trên 12,7 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong công tác TDCS ở huyện Bác Ái còn được thể hiện theo hướng đầu tư tập trung, dành nguồn lực ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi kinh tế, thâm canh cây trồng, vật nuôi; các hộ sau khi vay vốn kết hợp các chương trình tập huấn khuyến nông, từ đó hình thành nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như hộ anh Katơr Kiệt, ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, từ 50 triệu đồng vốn vay ban đầu, anh mua 2 con bò nuôi sinh sản, nhờ chăm sóc tốt, đến nay tăng lên 10 con, cùng với 1 ha đất trồng bắp lai, đậu xanh và 1,4 sào lúa, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 80 triệu đồng. Thông qua thực hiện TDCS, hầu hết hộ vay vốn đều ý thức, sử dụng vốn vay hợp lý, đầu tư làm ăn có hiệu quả; nhờ đó, hoạt động sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn có bước tăng trưởng ổn định, thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 6-8%; đời sống người dân cải thiện rõ rệt.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái tiếp tục bám sát tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương, triển khai các chương trình cho vay phù hợp với đặc thù huyện nghèo miền núi; đẩy nhanh quá trình thẩm định hồ sơ, giải ngân kịp thời vốn vay đối với chỉ tiêu hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Hồng Lâm (Báo Ninh Thuận)


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 720
  • Tất cả: 176596

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ : 264, Thống Nhất, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại :  02593 837423 - Fax: 02593 825255     Email : ninhthuan.vbsp@gmail.com