Cán bộ Phòng giao
dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Nam giải ngân vốn cho người dân xã
Phước Minh. Ảnh: Văn Nỷ
Trong
tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ tín
dụng NHCSXH lên huyện miền núi Bác Ái, nơi có đông đồng bào Raglai sinh sống.
Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là hai bên đường vào trung tâm huyện được phủ
xanh bằng những ruộng bắp, cây mì và nhiều mô hình trang trại của người dân. Đó
là kết quả của sự trợ giúp từ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với nguồn lực
hỗ trợ khác của Nhà nước đã mở lối thoát nghèo cho bà con nơi đây. Đến thăm nhà
bà Chamaléa Thị Them, ở thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại, trong căn nhà khang trang,
đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, trước đây gia
đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã, nhà đông con nhưng kinh tế phụ thuộc vào
hơn 1,2 ha đất rẫy, nhiều vụ phải ngưng sản xuất vì thiếu nước. Bà Them nhớ
lại, nhờ được tạo điều kiện vay 25 triệu đồng từ NHCSXH, mình có vốn cải tạo
đất trồng mì, được cán bộ xã nhiệt tình hướng dẫn chăm sóc nên cây phát triển
tốt, mỗi vụ đều cho năng suất cao. Có lãi từ cây mì, gia đình đầu tư chăn nuôi
thêm 6 con bò và heo đen; nhờ đó, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều và đến nay
chính thức xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Không
chỉ riêng ở huyện Bác Ái, các huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Sơn... với
quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và nỗ lực thực
hiện nhiệm vụ chuyên môn của hệ thống ngân hàng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã
tạo sự lan tỏa sâu rộng. Gia đình chị Tạ Thị Sanh, ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu
(Ninh Phước) là một trong những hộ khó khăn, được NHCSXH tạo điều kiện cho vay chương
trình học sinh - sinh viên, giúp con của chị theo đuổi ước mơ học tập, tạo dựng
tương lai. Chị Sanh tâm sự: Năm 2015, con đầu của tôi thi đậu vào Trường Đại
học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Giữa lúc khó khăn, không biết xoay xở thế nào để
đóng học phí thì được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn làm thủ tục vay trên 30 triệu
đồng từ NHCSXH, đảm bảo chi phí học tập trong suốt 4 năm đại học. Hiện tại, con
của chị đã ra trường và tham gia giảng dạy tại một trường tư thục, với mức
lương khá. Anh Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ninh
Phước, nhìn nhận: Với việc thực hiện liên tục các chương trình cho vay, hầu hết
hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã có những bước tiến vững chắc trong
quá trình làm ăn, phát triển kinh tế, nâng tổng dư nợ thông qua 15 chương trình
tín dụng đến nay 552,896 tỷ đồng; đặc biệt, tín dụng cho vay đối với các đối
tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 60,8% trên
tổng dư nợ.
Có
thể nói, trên chặng đường đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính
sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh không ngừng nâng cao hoạt động chất lượng tín dụng,
thực hiện chủ trương công khai, dân chủ, minh bạch; đảm bảo nguồn vốn đến tận
tay các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt hơn, qua gần 7 năm thực hiện Chỉ thị số
40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 67-CT/TU
ngày 24-4-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với tín dụng chính sách xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng dư nợ 16
chương trình tín dụng đến nay đạt gần 2.526 tỷ đồng, với trên 75.000 khách hàng
vay vốn. Cùng với việc hướng dòng vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn liền
với hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất đã phát huy hiệu
quả cao; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2% mỗi
năm, đời sống của người dân từng bước được nâng cao rõ rệt.
Nhờ nguồn vốn Ngân
hàng Chính sách xã hội, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư phát triển
chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Ảnh tư liệu
Ông Lê Minh Lộc, Phó
Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, các
chương trình cho vay của NHCSXH tạo thêm động lực, khích lệ các đối tượng thụ
hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc
sống; đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía
sau”. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với chính
quyền địa phương; các hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền, vận
động hộ dân tận dụng nguồn vốn chính sách để tạo dựng sinh kế bền vững cho
chính mình; cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Tin tưởng rằng,
nguồn vốn chính sách tín dụng sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, trở thành người bạn
đồng hành thiết thực trên hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo,
góp phần tô thêm sắc xuân, đem lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà trong dịp
Tết đến, xuân về.
Đăng Khôi