Phó Trưởng
Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo
Đồng chủ trì
Hội thảo khoa học có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Phó
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi; Phó Thống đốc Thường
trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng. Hội
thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện một số Bộ, ban, ngành
Trung ương, đại diện lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà
quản lý kinh tế và các trường đại học và doanh nghiệp.
Báo cáo Kết
quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và vai trò của tín dụng chính sách xã hội
trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng
cho biết: Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW
và Kết luận số 06-KL/TW, NHCSXH đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện Chỉ thị, Kết luận và tổ chức thực hiện; trong đó, trọng tâm là phối hợp với
các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu tham mưu Quốc hội, Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và ban hành mới, sửa
đổi, bổ sung các cơ chế liên quan đến tín dụng chính sách xã hội để phù hợp với
thực tế trong từng thời kỳ. NHCSXH các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa
phương cùng cấp để triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa
bàn nhằm thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền
vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và
miền núi…
Đoàn Chủ tịch
điều hành Hội thảo
Qua 10 năm
triển khai, đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt
trên 373 nghìn tỷ đồng, tăng 235.745 tỷ đồng (gấp 2,72 lần) so với khi bắt đầu
thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%.
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các địa phương trong cả nước đã chú
trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH
để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 30/4/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa
phương các cấp đạt 45.766 tỷ đồng, chiếm 12,3%/tổng nguồn vốn, tăng 41.874 tỷ đồng
so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân
đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Đây cũng là
cơ sở để NHCSXH đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng
được Thủ tướng Chính phủ giao trong 10 năm qua, tạo điều kiện giúp trên 20,6
triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho
vay đạt 706.668 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình
tín dụng chính sách đạt trên 346 nghìn tỷ đồng, tăng gần 218 nghìn tỷ đồng so với
cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn
dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ
khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị) xuống còn
0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ (thời điểm
30/4/2024), thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Tổng Giám đốc
NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả triển khai thực hiện tín dụng chính
sách xã hội
Nước ta có 53
DTTS với hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước; trong đó, vùng DTTS và
miền núi với trên 2/3 số đối tượng diện hộ nghèo của cả nước. Vì vậy, sau khi
Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành, Quốc hội đã đẩy mạnh thể chế hóa, giao Chính phủ
triển khai thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, trong đó có Nghị
quyết số 111/2024/QH14, ngày 05/2/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực
hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm bổ sung thêm nguồn vốn để thực hiện
tín dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi, Quốc hội
đã cho phép các địa phương trong khả năng cân đối ngân sách có thể ủy thác nguồn
vốn qua NHCSXH để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định
kinh tế, hỗ trợ cải thiện nhà ở; phát triển các sản phẩm thuộc chương trình mỗi
xã một sản phẩm; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển
du lịch nông thôn, nhất là vùng DTTS và miền núi. Những chính sách này đi vào đời sống đã đưa
khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nghèo, cận nghèo DTTS tăng rõ rệt,
dòng vốn luân chuyển cho vay ngày càng tăng. Đến ngày 31/3/2024, dư nợ cho vay
đồng bào DTTS và miền núi đạt 120.115 tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng dư nợ tại
NHCSXH, với trên 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với khách
hàng là hộ DTTS là 83.186 tỷ đồng, với trên 1,5 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm
24,45% tổng dư nợ tại NHCSXH, bình quân 54 triệu đồng/hộ DTSS, trong đó bình
quân chung là 49,7 triệu đồng.
Tham luận tại
Hội thảo, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang cho biết:
Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận
số 06-KL/TW, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín
dụng, ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo
điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NHCSXH thực hiện hiệu quả các chương trình,
chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách như: xây dựng
khuôn khổ pháp lý về mô hình, tổ chức hoạt động tín dụng chính sách xã hội - một
cấu phần quan trọng trong tổng thể hoạt động tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các tổ
chức tín dụng tích cực đồng hành cùng NHCSXH trong việc thực hiện các nhiệm vụ
chính trị được giao, thông qua việc duy trì 2% số dư tiền gửi tại NHCSXH và mua
trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, hai nguồn vốn này chiếm tỷ
trọng gần 60% trên tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Trong giai đoạn đất
nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã kịp thời tái cấp vốn 0% để NHCSXH
thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh
hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng
xã hội, tăng quy mô và tính bền vững cho nguồn vốn tín dụng chính sách, sự vào
cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương và tổ chức chính trị - xã hội theo
phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa
phương cùng làm” đã cộng hưởng thêm và làm rõ thêm hiệu quả của một công cụ
chính sách đầy tính nhân văn và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Đông đảo các
đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp tham dự
Hội thảo
Tại Hội thảo,
các diễn giả đều thống nhất kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số
40-CT/TW là đáng khích lệ. Các đối tượng được hưởng thụ chính sách ngày càng được
mở rộng; mức cho vay ngày càng được nâng cao và thời hạn cho vay dài hơn. Nguồn
vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định
qua các năm. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng
ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng cao. NHCSXH đã thiết lập được mô
hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù
hợp, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị…
Đồng thời,
các diễn giả và tham luận trong Hội thảo cũng chỉ ra vẫn còn một số hạn chế,
khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách như: Một số cấp ủy,
chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Một
số chính sách tín dụng có mức vay còn thấp, chậm được điều chỉnh, chưa phù hợp
với nhu cầu đầu tư, thực tế diễn biến của giá cả thị trường. Chất lượng tín dụng
chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương. Nguồn lực thực hiện các chương trình
tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và yêu cầu đảm
bảo của chương trình; cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền
vững. Việc lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với
tín dụng chính sách xã hội chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó,
tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường tạo ra thời cơ và thách thức
đan xen lẫn nhau đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho việc triển khai thực hiện tín dụng
chính sách xã hội. Diễn biến kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục chịu “tác động
kép” từ các yếu tố bất lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh,
vấn đề già hóa dân số đã đặt thêm nhiều áp lực cho việc đảm bảo phúc lợi xã hội,
giảm nghèo bền vững. Đây là những vấn đề ảnh hưởng lớn tới công tác thực hiện
tín dụng chính sách xã hội. Mặc dù vậy, nếu có những biện pháp đột phá dựa trên
việc dự đoán đúng tình hình, lựa chọn thời điểm thích hợp để tận dụng thời cơ để
tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của tín dụng chính sách xã hội, hoàn toàn
có thể vượt qua được những thách thức đang đặt ra.
Phó Giám đốc
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi phát biểu bế mạc Hội thảo
Trước bối cảnh
đó, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý đã đề xuất nhiều giải
pháp thiết thực, hiệu quả để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm
giải pháp. Đó là tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị
số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy
Đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính
sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa
bàn, mức cho vay, lãi suất,… Cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách Nhà nước, ngân
sách địa phương, đồng thời thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng
chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành
trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò
của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong
giám sát, phản biện xã hội và thực hiện các hoạt động nhận ủy thác.
Đối với
NHCSXH, cần chủ động tham mưu các Bộ, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp tại
Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển
theo hướng tăng cường tính chủ động, ổn định, bền vững; nâng cao năng lực quản
trị, điều hành; xây dựng nền tảng ngân hàng số, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển
các loại hình dịch vụ phù hợp đem lại tiện ích tốt hơn cho người nghèo và các đối
tượng chính sách khác; tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng
nhân sự của hệ thống NHCSXH để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội
trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vị trí, là “nhà cung cấp tài chính vi
mô lớn nhất Việt Nam và châu Á”.
Phát biểu tổng
kết và bế mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê
Văn Lợi cho biết: Các tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội
thảo đã cung cấp những cơ sở khoa học, thực tiễn và sự cần thiết của việc đề xuất,
kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới. Đóng góp của các đồng chí
lãnh đạo, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo đã trình bày cụ thể cơ sở
khoa học, bài học kinh nghiệm thực tiễn để góp phần phục vụ cho việc xây dựng Đề
án “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2024 của Ban Bí
thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Thuỳ Trang - Phan Anh - Hữu Trung