Tín dụng
chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả (Ảnh: NHCSXH)
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày
22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng
chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị 40), với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ
đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống
chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác tín
dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được
hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và
các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo
việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những
người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Mô hình tổ chức và
phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được hoàn thiện, phù hợp
với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng
chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả
hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến
khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu
chính đáng.
Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng
tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương,
chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi
với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm
sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ
nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá
cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40, một số cấp ủy,
chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hôi; một
số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời và triệt để. Việc bố trí
nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng
Chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội chưa kịp thời,
chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng tín dụng tuy đã được nâng cao, nhưng chưa đồng
đều giữa các vùng, địa phương; thiếu cơ chế cụ thể lồng ghép, phối hợp hiệu quả
giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội.
Năng lực, trách nhiệm của một số tổ chức nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách
xã hội tại cơ sở còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận
Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ
chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, hiệu
quả.
Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong
thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo
đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng,
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập
trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, nâng cao
nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng
chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và
công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng
cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các cấp uỷ, chính quyền cần xác
định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản
quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng
chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng
chính sách xã hội; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động
nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính
sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục
tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
đất nước.
3. Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài
chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng
chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc
gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có
nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn
hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội.
4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền
địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định
đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Chỉ
đạo các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt
chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng
chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển
kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn
tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương uỷ
thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và
các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện
có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc
thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng
dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản
trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với
hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức
chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản
phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính
sách khác. Chủ động tham mưu cho các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất
chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách
khác, phù hợp với từng giai đoạn. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện
toàn, bồi dưỡng nhân sự của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt
công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Xây dựng Chiến lược
phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội
thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng
chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách
xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn
cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách
xã hội.
7. Tổ chức thực hiện
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng
đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận này.
- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng
Trung ương Đảng, các cơ quan liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận này, định kỳ
báo cáo Ban Bí thư.
Kết luận này phổ biến đến chi bộ.