Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách

(VBSP News) Ngày 29/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78). Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Công cụ chính sách hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết: Với chủ trương của Đảng “Phải trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành Quỹ xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói, giảm nghèo”, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Kể từ đó tới nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước. Tiếp đó, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách cũng như thể hiện tính ưu việt của hoạt động này.

 

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 78, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: 20 năm qua, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của đất nước. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Hoạt động giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH… Chính vì thế, tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã đánh giá: “Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức chính trị - xã hội và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”.

 

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả triển khai Nghị định 78 trong 20 năm qua

Nhờ sự quan tâm của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tăng trưởng vượt bậc. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Trong 20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.

Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, việc triển khai kiên trì, đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11/2022). Thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.

Tiếp tục gánh vác nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định tín dụng chính sách là chủ trương đúng đắn; giải pháp sáng tạo của Việt Nam khi huy động nguồn lực của xã hội, kết nối được cả hệ thống chính trị vào công cuộc giảm nghèo. “Tôi đặc biệt biểu dương NHCSXH trong việc đưa chính sách thâm nhập sâu rộng, có kết quả vào cuộc sống. Tôi cũng đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ trong suốt 20 năm qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022. Ở trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, sức ép lạm phát còn cao, thị trường quốc tế có xu hướng bị thu hẹp; sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến lao động, việc làm, thu nhập của người lao động, hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài, thiên tai, bão lũ trái quy luật, khó dự báo…

Điểm ra một loạt những thách thức của nền kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta cần xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công cuộc giảm nghèo bền vững của đất nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN, NHCSXH, các Bộ, ngành và địa phương tập trung một chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của NHCSXH để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của Nhà nước còn nhiều khó khăn.

Hai là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.

Ba là, nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, nhằm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với hoạt động của NHCSXH.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng và phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa vay vốn với đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời, nhân rộng các mô hình quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả trong cộng đồng.

Sáu là, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư; xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Hằng năm, cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát thường xuyên, định kỳ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác tại địa phương, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội.

 

20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã giúp gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên vay vốn đi học; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội; hỗ trợ gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc; phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%… giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.                                                      .              


Thùy Trang - Hữu Trung - Việt Dũng



Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 230
  • Trong tuần: 5768
  • Tất cả: 266169

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ : 264, Thống Nhất, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại :  02593 837423 - Fax: 02593 825255     Email : ninhthuan.vbsp@gmail.com