Chỉ thị số
40-CT/TW đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo của Đảng đối với tín
dụng chính sách xã hội ở Ninh Thuận.
Những chuyển biến về tín dụng
chính sách
Ninh Thuận - địa phương ven biển
thuộc vùng Duyên Hải Nam Trung bộ, với điều kiện địa hình và khí hậu khắc
nghiệt, chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình hạn hán. Đời sống
một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi của tỉnh bao gồm 28 xã và 71 thôn đặc biệt khó khăn, nơi sinh
sống chủ yếu của hơn 176 nghìn đồng bào dân tộc của 32 dân tộc thiểu số. Địa
bàn sinh sống chủ yếu là miền núi, vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, khí
hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán…
Thực hiện chủ trương của Ban Bí
thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính
sách xã hội, trong những năm qua Ninh Thuận đã chủ động ban hành nhiều cơ chế,
chính sách để lãnh đạo triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp
phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội,
bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của nhân dân.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư
Tỉnh uỷ Ninh Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng,
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các sở, ban ngành,
cơ quan, đơn vị và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo chức năng nhiệm vụ,
quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban
Bí thư và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội
đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức
về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với việc phát triển kinh
tế - xã hội nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa
bàn...
Sau 10 năm triển khai thực hiện
Chỉ thị số 40-CT/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW đã tạo ra sự chuyển
biến rõ nét trong lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp uỷ,
chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín
dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch
hoạt động thường xuyên. Qua đó, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng thuận
lợi, chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách không ngừng được nâng lên.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính
sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội
trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác
củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết
kiệm và vay vốn; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa
phương và các đơn vị có liên quan thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính
sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục,
dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc Ngân
hàng Chính sách, chi nhánh Ninh Thuận cho biết, việc tổ chức thực hiện các
chính sách tín dụng ở địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã
hội, cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp, nhất là các đoàn thể chính trị-xã
hội cùng tham gia thực hiện chương trình. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách
khác được hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển
biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số
40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đáp ứng
tương đối đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng
khác...
Đến nay, hầu hết hộ vay vốn Ngân
hàng Chính sách xã hội ở Ninh Thuận đã có những chuyển biến tích cực về nhận
thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ nghèo và
các đối tượng chính sách khác vay vốn đã biết cách làm ăn, sản xuất kinh doanh,
phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống
vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị,
đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo,
hạn chế “tín dụng đen”.
Bà Nguyễn Thị Ngân, ở thôn Xóm
Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc cho biết, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng, gia
đình đầu tư nuôi bò. Đến cuối năm 2022, gia đình đã có nguồn thu nhập cơ bản,
cuộc sống từng bước được cải thiện. Mới đây, gia đình đã bàn bạc và thống nhất
trả khoản nợ cũ, mạnh dạn đề nghị và được cho vay số tiền 100 triệu đồng từ
chương trình hộ mới thoát nghèo để mua thêm bò, sửa sang lại chuồng trại, mở
rộng thêm diện tích trồng cỏ... Từ kinh nhiệm tích lũy và thuận lợi trong chăn
nuôi, sản xuất, hiện nay, gia đình đã có tài sản với 12 con bò lai, ước tính
giá trị khoảng 200 triệu đồng.
Đến nay, hầu
hết hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ở Ninh Thuận đã có những chuyển biến
tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ.
Tương tư, bà Pi Năng Thị Xuyến, ở
thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn chia sẻ, trước đây gia đình thuộc diện hộ
nghèo của xã. Dưới sự hướng dẫn của tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2015 gia đình
đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để về mua nuôi
bò. Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi bò sinh sản, để tiếp tục có vốn phát triển
kinh tế cho hộ gia đình, đến tháng 11/2023, gia đình tiếp tục đề nghị vay lại
50 triệu đồng từ chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo để duy trì
việc chăn nuôi bò sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, hiện nay đàn bò của gia
đình có 15 con. Nhà cửa cũng đã được sửa sang khang trang, cuộc sống của gia
đình cũng vì thế mà khá giả lên rất nhiều.
Theo số liệu từ Ngân hàng Chính
sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận, đến 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay của chi
nhánh đạt 3.725 tỷ đồng, tăng 2.494 tỷ đồng so với cuối năm 2014; tốc độ tăng
trưởng bình quân hàng năm là 20%, với hơn 82 nghìn hộ nghèo và các đối tượng
chính sách còn dư nợ vay. Trong 10 năm qua, tín dụng chính sách đã giúp cho
474.414 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần
giúp hơn 73 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 57.300 lao
động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 43.900 học sinh, sinh viên được
vay vốn học tập, xây dựng hơn 126.220 công trình nước sạch và công trình nhà vệ
sinh, 8.234 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở...
Tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Thuận ngày
càng giảm bền vững qua các giai đoạn; góp phần xây dựng 31/47 xã đạt chuẩn nông
thôn mới... thành tựu của tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng” và
là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở địa
phương Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, tín dụng chính sách làm thay
đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân được nâng lên góp phần rút ngắn
khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác
trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, còn nhân lên niềm tin của đồng bào các dân tộc
đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo động lực để đồng bào đoàn kết, phấn
đấu xây dựng thôn, xã ấm no, hạnh phúc…
Tín dụng
chính sách góp phần để Ninh Thuận giảm tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm bền vững.
Tiếp tục đưa tín dụng chính sách
đến gần người dân
Hằng năm, tại Ninh Thuận căn cứ
vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh
và các huyện, thành phố đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để
ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và
các đối tượng chính sách khác.
Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn
uỷ thác đạt 145,9 tỷ đồng, tăng 126,1 tỷ đồng kể từ khi thực hiện Chỉ thị số
40-CT/TW, trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh tăng 92,55 tỷ đồng, từ ngân sách
các huyện, thành phố, tăng 33,1 tỷ đồng và nguồn vốn của Tỉnh Đoàn tăng 451
triệu đồng...
Cũng theo ông Lê Minh Lộc, những
năm gần đây, tại Ninh Thuận các đối tượng đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính
sách xã hội được tổ chức bình xét công khai tại các tổ tiết kiệm và vay vốn theo
địa bàn dân cư, dưới sự chứng kiến của trưởng thôn/khu phố và hội đoàn thể nhận
ủy thác cấp xã, UBND cấp xã xác nhận đủ điều kiện vay vốn gửi Ngân hàng Chính
sách xã hội nơi cho vay. Công tác bình xét cho vay đã được chính quyền địa
phương quan tâm chỉ đạo, bình xét cho vay đúng đối tượng, công khai và dân chủ,
tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời được vay
vốn các chương trình tín dụng chính sách đúng quy định.
Thực hiện phương thức này, Ngân
hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuân đã tổ chức được mạng lưới hoạt
động rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với 276 hội
đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và 1.640 tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện
quản lý vốn tín dụng chính sách. Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên giám sát
việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên
truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm để tích lũy trả dần nợ
gốc, trả lãi hàng tháng và thu, nộp cho ngân hàng; phối hợp xử lý những trường
hợp bị rủi ro...
Mô hình vay
vốn đầu tư chăn nuôi bò võ béo ở huyện Thuận Bắc.
Bà Ngô Thị Thúy Hoa, Tổ trưởng tổ
tiết kiệm và vay vốn tại thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cho biết,
hiện nay tổng dư nợ của tổ là 2.422 triệu đồng, với 50 tổ viên, thông qua 7
chương trình tín dụng, 100% tổ viên đều tham gia gửi tiền tiết kiệm đều hàng
tháng, với số dư tiền gửi là 186 triệu đồng. Nhờ vay vốn tín dụng chính sách,
đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn có đời sống kinh tế phát triển đi lên,
thoát nghèo bền vững...
Đến nay, ngoài trụ sở Ngân hàng
Chinh sách xã hội tại 7 huyện, thành phố, chi nhánh còn tổ chức 65 điểm giao
dịch đặt tại trụ sở của 65 UBND xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức hoạt động
giao dịch tại các xã, phường, thị trấn nhằm giúp người nghèo và các đối tượng
chính sách tiếp cận tín dụng chính sách thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người
dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị
xã hội nhận ủy thác vốn vay đã chủ động hướng dẫn và giám sát công tác bình xét
đối tượng vay vốn, tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ,
tư vấn kỹ thuật xây dựng mô hình dự án hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả
lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội. Việc
thực hiện phương thức cho vay ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ
tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông
dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, đã giúp quản lý vốn tín dụng chính
sách hiệu quả hơn. Đến ngày 30/6/2024, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể đạt
3.721 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, tăng 2.493 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng
203%), với 82.089 hộ vay vốn thuộc 1.640 tổ tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh tỉnh đã chỉ đạo Liên hiệp Phụ nữ tỉnh các huyện, thành phố thực hiện tốt
công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến các đối
tượng thụ hưởng và phối hợp triển khai cho vay đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra hằng
năm; chỉ đạo hội cơ sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách và chính quyền địa
phương bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định, công khai, dân chủ;
hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; lồng ghép các chương trình, dự án
của hội với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây
dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát
nghèo bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá
hạn; thường xuyên thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng
hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn...
Tín dụng
chính sách góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi với các vùng khác trên địa bàn Ninh Thuận.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận
lợi, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Ninh Thuận trong thời
gian qua vẫn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, khắc
phục... Trong đó, nổi lên ở một số nơi các cấp ủy đảng, chính quyền chưa sát
sao, chỉ đạo thường xuyên đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nên chất
lượng tín dụng còn thấp; Việc chỉ đạo điều hành phối hợp, lồng ghép các chương
trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ,
đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự gắn kết, đồng bộ,
hiệu quả. Công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tổ
chức huy động sự đóng góp của tổ chức xã hội, các doanh nghiệp bổ sung nguồn
vốn cho tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế; Hiện, hộ vay thuộc các xã vùng
khó khăn ở Ninh Thuận đã đạt chuẩn nông thôn mới không còn được thụ hưởng chính
sách tín dụng ưu đãi nhưng chưa đủ điều kiện vay vốn các NHTM trong khi chưa
tạo lập được vốn tự có; mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi
trường còn thấp...
Trước những khó khăn trên, cũng
theo ông Nguyễn Đức Thanh, Ninh Thuận sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả
Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ
thị số 67-CT/TU và Kế hoạch số 59-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn,
coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các sở, ban,
ngành, cơ quan liên quan. Đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của
Ngân hàng Chính sách xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình
tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện tốt 3 chương trình mục
tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh
tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo trật tự, an
toàn và an sinh xã hội, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn Ninh Thuận.
Gia
Hoàng