Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 258
  • Tất cả: 42650
Xây dựng chuyên đề môn lịch sử và tổ chức dạy học theo chuyên đề
Tháng 1/2015, Bộ Giáo dục đã tổ chức đợt tập huấn tại Buôn Ma Thuột (Đaklak) về việc xây dựng chuyên đề dạy học môn Lịch sử. Đợt tập huấn này cùng với nội dung của đợt tập huấn 7/2014 đã phổ biến 3 nội dung lớn cần nghiên cứu, thực hiện đối với giáo viên THPT hiện nay: Xây dựng nội dung chuyên đề dạy học, tổ chức dạy học theo chuyên đề và đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đây chính là cơ sở để giúp giáo viên thực hiện chủ trương của  Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014.

Loại trừ phần lí luận chung, bài viết này tập trung giới thiệu nội dung chính của đợt tập huấn nhằm hướng dẫn các đồng nghiệp nắm bắt yêu cầu, cách thức xây dựng chuyên đề Lịch sử và tổ chức dạy học chuyên đề theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

I. XÂY DỰNG CHUYÊN ĐỀ DẠY HỌC
1. Đặc trưng của chuyên đề Lịch sử.
- Dạy học theo chuyên đề khác với việc dạy theo bài học thông thường nhưng vẫn phải đảm bảo các chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình và sách giáo khoa hiện hành, được nâng lên một mức độ nhất định cao hơn. Tuy vậy cần chú ý đến tính vừa sức của chuyên đề: cân đối giữa khối lượng và mức độ kiến thức trong chuyên đề.
- Vấn đề được học tập trong chuyên đề phải là một vấn đề cơ bản của chương trình, sách giáo khoa THPT có mối quan hệ mật thiết với nhau, có những điểm tương đồng về nội dung kiến thức, khi hình thành chuyên đề thì tạo nên một chuỗi các vấn đề học tập cần giải quyết. Khi giải quyết được nhiệm vụ học tập đó sẽ tạo thành một nội dung hoàn chỉnh, toàn diện cả chiều dọc lẫn chiều ngang của chuyên đề.

- Nội dung của các chuyên đề giúp học sinh có những hiểu biết về những kiến thức cơ bản của chương trình, sách giáo khoa mà học sinh THPT cần đạt được. Từ những kiến thức đó để học sinh có thể tổng kết, hệ thống hoá kiến thức, củng cố, thực hành, rút ra quy luật và bài học lịch sử...  và tự nghiên cứu, đào sâu kiến thức đã học. 
- Nội dung chuyên đề cần đảm bảo tính toàn diện, có tính hệ thống, thể hiện mối quan hệ của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc, giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa …

- Kênh hình, tư liệu tham khảo của chuyên đề phải góp phần tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động học tập và hình thành phát triển năng lực trong học tập.
- Nội  dung chuyên đề không dừng lại ở biết lịch sử mà nâng cao trình độ nhận thức lịch sử. Giúp cho học sinh hiểu, lý giải, xâu chuỗi tìm ra các mối quan hệ, tác động, ảnh hưởng của các nội dung, sự kiện lịch sử; tăng cường khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề khác trong học tập và thực tiễn...
- Các chuyên đề cho học sinh trường THPT rất chú trọng đến việc giáo dục thái độ, tình cảm, tư tưởng.

2. Quy trình xây dựng chuyên đề

2.1. Căn cứ vào nội dung chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử và những ứng dụng phương pháp dạy học trong thực tiễn, tổ/nhóm chuyên môn xác định các nội dung kiến thức liên quan với nhau, có những điểm tương đồng được thể hiện ở một số bài/tiết hiện hành, từ đó xây dựng thành một vấn đề chung để tạo thành một chuyên đề dạy học. Mỗi chuyên đề có thời lượng ít nhất là 2 tiết.

Trường hợp có những nội dung kiến thức liên quan đến nhiều môn học, các tổ chuyên môn liên quan cùng nhau lựa chọn nội dung để thống nhất xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn.

2.2. Xác định chuẩn kiến thức và kĩ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, từ đó xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho học sinh theo chuyên đề đã xây dựng.

Một số năng lực chung như: năng lực tự học, phát hiện và giải quyết vấn đề, sáng tạo; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Một số phẩm chất: Nhân ái, khoan dung; Làm chủ bản thân; Thực hiện nghĩa vụ học sinh.

2.3. Xây dựng nội dung chuyên đề: Giáo viên lựa chọn các nội dung của chuyên đề từ các bài/tiết trong sách giáo khoa hiện hành của môn Lịch sử/hoặc cùng với các môn học có liên quan (nếu chuyên đề xác định là tích hợp, liên môn) và tham khảo tài liệu khác để xây dựng nội dung chuyên đề.

II. THIẾT KẾ TIẾN TRÌNH DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ THÀNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC

Việc thiết kế tiến trình dạy học chuyên đề thành các hoạt động học thực chất là thiết kế giáo án dạy học, được tổ chức cho học sinh có thể thực hiện ở trên lớp hoặc ở nhà. Mỗi tiết học trên lớp có thể chỉ thực hiện một số hoạt động trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng.

Tiến trình tổ chức các hoạt động cần linh hoạt, mềm dẻo. Sử dụng các phương pháp  dạy học bộ môn Lịch sử theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh nhằm hình thành các năng lực cần thiết, nhất là phương pháp dạy học nêu vấn đề.

Khi thiết kế và tổ chức một hoạt động học tập theo quan điểm định hướng phát triển năng lực học sinh cần lưu ý quá trình dạy học bao gồm hệ thống các hành động có mục đích của giáo viên tổ chức hoạt động trí óc và tay chân của học sinh đảm bảo học sinh chiếm lĩnh được nội dung dạy học, đạt được mục tiêu xác định. Giáo viên tổ chức định hướng hành động chiếm lĩnh trí thức của học sinh phỏng theo tiến trình của chu trình sáng tạo khoa học. Chúng ta có thể hình dung diễn biến của hoạt động dạy học theo các bước sau:

+ Giáo viên tổ chức tình huống, giao nhiệm vụ cho học sinh. Học sinh sẵn sàng nhận nhiệm vụ, này sinh vấn đề cần tìm tòi giải quyết.

+ Học sinh tự chủ, tìm tòi giải quyết vấn đề đặt ra. Với sự theo dõi, định hướng, giúp đỡ của giáo viên, hoạt động học của học sinh diễn ra theo một tiến trình hợp lí. Có thể tổ chức bằng các hoạt động cá nhân, hoạt động cặp đôi hoặc các nhóm nhỏ.

+ Giáo viên tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả làm việc, thảo luận và bổ sung ý kiến cho nhau.

+ Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận định các kết quả và rút ra kết luận, chốt các kiến thức thu được và gợi ý học sinh phát hiện các vấn đề cần giải quyết tiếp theo.

* Tiêu chí hoạt động của giáo viên

Mức độ sinh động, hấp dẫn học sinh của phương pháp và hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập.
Khả năng theo dõi, quan sát, phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh.
Mức độ phù hợp, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập.
Mức độ hiệu quả hoạt động của giáo viên trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động và quá trình thảo luận của học sinh.
* Tiêu chí hoạt động của học sinh

Khả năng tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp.
Mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập.
Mức độ tham gia tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Mức độ đúng đắn, chính xác, phù hợp của các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh.
Như vậy, thiết kế tiến trình dạy học theo chuyên đề cần chú ý việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh, hướng dẫn học sinh hoạt động, chủ động chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện phương pháp tự học, khả năng phối hợp, hợp tác trong học tập.  
III. KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TRONG QUÁ TRÌNH DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ

Dạy học theo chuyên đề gắn liền với việc kiểm tra đánh giá quá trình. Đánh giá ngang bằng với việc nhận xét. Thông qua việc quan sát, trao đổi các sản phẩm của học sinh giáo viên có thể  nhận xét, đánh giá được sự tích cực tự lực và sáng tạo của học sinh trong học tập. Ví dụ như tính tích cực, tự lực thể hiện qua thái độ hăng hái tham gia thảo luận, khả năng tập trung tự lực giải quyết vấn đề, sự tiến bộ về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của học sinh sau mỗi tiết học từ chỗ giáo viên phải gợi ý từng bước đến việc giáo viên chỉ đưa ra các nhiệm vụ và hỗ trợ khi thật sự cần thiết, khả năng ghi nhớ những kiến thức đã học và có thể trình bày lại nội dung đã học bằng ngôn ngữ riêng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn … Khả năng sáng tạo thể hiện qua mức độ đáp ứng của học sinh trong quá trình học tập, sự phát hiện và giải quyết vấn đề, liên hệ giải quyết những yêu cầu mới được nảy sinh.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua bài kiểm tra. Gồm:
+ Xác định và mô tả 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học.

+ Biên soạn các câu hỏi/bài tập cụ thể theo các mức độ yêu cầu đã mô tả để sử dụng trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá, luyện tập theo chuyên đề đã xây dựng.
IV. MỘT SỐ LƯU Ý KHI TỔ CHỨC DẠY HỌC THEO CHUYÊN ĐỀ

1. Nhận thức và thực hiện đúng bản chất của từng hoạt động trong tiến trình bài học để vận dụng linh hoạt, phù hợp với HS.
* Hoạt động giới thiệu bài mới

Cần có sự đầu tư hợp lí bởi hoạt động này có tác dụng trong việc:
- Tạo tâm thế học tập, giúp HS ý thức được nhiệm vụ  học tập, hứng thú học bài mới.  
- Giúp HS suy nghĩ và làm xuất hiện những nhận thức ban đầu về vấn đề sắp tìm hiểu, học tập.

*. Tổ chức các hoạt động học tập 
- Giúp HS lĩnh hội được kiến thức, kĩ năng mới và đưa các kiến thức, kĩ năng mới vào hệ thống kiến thức, kỹ năng của bản thân. 
- Trên cơ sở tổ chức các hoạt động học tập, GV sẽ giúp HS xây dựng kiến thức mới của bản thân (đối chiếu kiến thức, kinh nghiệm sẵn có với những hiểu biết mới; kết nối/sắp xếp kiến thức cũ và kiến thức mới dựa trên việc phát biểu, viết ra các kết luận/ khái niệm/ công thức mới…)

*. Sơ kết chuyên đề
- Giúp HS củng cố, hoàn thiện kiến thức, kĩ năng vừa lĩnh hội  được. 
- GV sẽ yêu cầu HS làm các “bài tập” cụ thể giống như “bài tập” trong bước hình thành kiến thức để  diễn đạt được đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kĩ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình và áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các tình huống/vấn đề trong học tập…

*. Dặn dò, bài tập về nhà
- Dặn dò yêu cầu HS chuẩn bị bài mới. 
- Giao nhiệm vụ cho HS vận dụng được các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống/vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống. 
- GV cần khuyến khích HS tiếp tục tìm tòi và mở rộng kiến thức ngoài lớp học. HS tự đặt ra các tình huống có vấn đề nảy sinh từ nội dung bài học, từ thực tiễn cuộc sống, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết bằng những cách khác nhau.

2. Hiểu và thực hiện đúng ý nghĩa của các hình thức hoạt động trong dạy học
* Hoạt động cá nhân 
- Là hoạt động yêu cầu HS thực hiện các bài tập/nhiệm vụ một cách độc lập. 
- Hoạt động cá nhân tăng cường khả năng làm việc độc lập của HS, nhằm yêu cầu khám phá, sáng tạo. GV cần đặc biệt coi trọng hoạt động cá nhân vì nó giúp nhận thức của HS sâu sắc và chắc chắn.

* Hoạt động cặp đôi và hoạt động nhóm
- Là những hoạt động nhằm giúp HS phát triển NL hợp tác, tăng cường sự chia sẻ và tính cộng đồng. 
- Hoạt động cặp đôi được sử dụng trong những trường hợp các bài tập/ nhiệm vụ cần sự chia sẻ, hợp tác trong nhóm nhỏ gồm 2 HS. Ví dụ: kể cho nhau nghe, nói với nhau một nội dung nào đó, đổi bài cho nhau để đánh giá chéo,...; 
- Hoạt động nhóm (từ 3 HS trở lên) được sử dụng trong trường hợp tương tự, nhưng thiên về sự hợp tác, thảo luận với số lượng thành viên nhiều hơn.

* Hoạt động chung cả lớp: 
- Khi  học sinh có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh một vấn đề hoặc có những khó khăn mà nhiều học sinh không thể vượt qua, giáo viên có thể dừng công việc của các nhóm lại để tập trung cả lớp làm sáng tỏ các vấn đề còn băn khoăn hoặc bàn cãi. 
- Hoạt động chung cả lớp thường được vận dụng trong các tình huống sau: giải quyết những vấn đề mà các nhóm không giải quyết được, nghe GV hướng dẫn chung; nghe GV nhắc nhở, tổng kết, rút kinh nghiệm; HS luyện  tập thuyết trình trước tập thể lớp… 
-  Khi tổ chức hoạt động chung cả lớp, GV tránh biến giờ học thành giờ nghe thuyết giảng hoặc vấn đáp vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả và sai mục đích của hình thức hoạt động này.

3. Hướng dẫn thực hiện đúng tiến trình hoạt động nhóm
- Thứ nhất, làm việc cá nhân: Trước khi tham gia phối hợp với bạn học trong các nhóm nhỏ, cá nhân luôn có một khoảng thời gian với các hoạt động để tự lĩnh hội kiến thức, chuẩn bị cho các hoạt động thảo luận trong nhóm. 
Cá nhân làm việc độc lập nhưng vẫn có thể tranh thủ hỏi hay trả lời bạn trong nhóm, vẫn thực hiện các yêu cầu của của nhóm trưởng (nếu có) để phục vụ cho các hoạt động cá nhân. 
Trong quá trình làm việc cá nhân, gặp những gì không hiểu, HS có thể hỏi bạn ngồi cạnh hoặc nêu ra trong nhóm để các thành viên khác cùng trao đổi và nếu nhóm không giải quyết được vấn đề  thì nhóm trưởng có thể nhờ GV hỗ trợ.

- Thứ hai, làm việc chung cả  nhóm: 
Trong các giờ học của chuyên đề luôn có các hoạt động cả nhóm cùng hợp tác. Chẳng hạn:
+ Sau khi HS tự đọc một đoạn tư liệu, hay quan sát tranh ảnh… trưởng nhóm sẽ dẫn dắt các bạn trao đổi về nội dung cần khai thác của tư liệu, tranh ảnh đó; 
+ Sau khi một cá nhân trong nhóm đã đưa ra kết quả  làm việc, nhóm sẽ cùng trao đổi nhận xét, bổ sung về nội dung kiến thức, nội dung kênh hình, tư liệu…
Nhóm là hình thức học tập phát huy rất tốt khả năng sáng tạo, điều quan trọng là HS cần phải biết mình làm gì và làm như thế nào khi tham gia làm việc nhóm.

4. Nhận thức và thực hiện đúng việc chốt kiến thức
Căn cứ nội dung học tập, giáo viên chỉ chốt kiến thức của nội dung đã học khi thấy việc chốt là cần thiết cho việc tiến hành các hoạt động tiếp theo. Hình thức chốt kiến thức: giáo viên nên hướng dẫn để  HS tự chốt; giáo viên chỉ hỗ trợ trong trường hợp HS của cả lớp không thể chốt kiến thức.
5. Nhận thức đúng việc ghi bài của HS
Giáo viên hướng dẫn HS lựa chọn nội dung trong chuyên đề và kết quả thảo luận để ghi tóm tắt vào vở theo cách diễn đạt của HS. Nói chung, giáo viên không nên đọc cho học sinh ghi bài, không yêu cầu HS chép lại toàn bộ nội dung bài học trong tài liệu. HS có thể ghi nháp sau hoàn thiện trước khi ghi vào vở.

Giáo viên: Thái Thị Lợi
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image