Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 94
  • Tất cả: 55003
Giáo viên vùng cao
Mười năm trong nghề giáo cũng là từng ấy thời gian cô giáo Nguyễn Thị Diệu Dàng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phước Bình A gắn bó với học sinh là con em đồng bào dân tộc Raglai. Nhớ lại những ngày đầu “lên non” gieo chữ, cô giáo Dàng, chia sẻ: Ngày ấy, đường lên Phước Bình khó khăn, mình không thể về nhà thường xuyên nên rất nhớ gia đình.

Có những hôm dạy học xong lúc 4 giờ chiều, mình cùng một số thầy, cô giáo trong trường tranh thủ chạy xe máy về thăm nhà nhưng giữa đường gặp mưa lớn, nước lũ đổ về, cả nhóm đành ngồi ven đường chờ nước lũ rút rồi mới qua suối. Những hôm như vậy phải 1 giờ sáng hôm sau mình mới về tới nhà ở xã Phước Nam (Thuận Nam). Mưa gió, rét buốt, đường sá xa xôi cũng có lúc làm mình nản chí, nhưng rồi nghĩ tới các em học sinh nơi đây còn nhiều thiếu thốn, thiệt thòi nên tự mình củng cố tư tưởng, tiếp tục bám trường, bám lớp, chia sẻ phần nào khó khăn cùng các em học sinh và các thầy, cô giáo.

Cũng tại ngôi Trường TH Phước Bình A, chúng tôi gặp cô giáo Chamaléa Thị Hính khi đang miệt mài hướng dẫn học sinh của mình làm bài tập. Trò chuyện với cô giáo Hính, chúng tôi được biết cô quê ở xã Phước Hòa (Ninh Sơn). Về công tác tại Trường TH Phước Bình A được hơn 7 năm cũng là quãng thời gian cô Hính phải sống xa gia đình nhỏ của mình. Gặp chúng tôi, cô giáo tâm sự: Tôi dạy học ở Phước Bình, còn chồng và gia đình ở Hòa Sơn nên cũng nhớ nhà lắm. Bảy năm qua, Trường TH Phước Bình A và các đồng nghiệp, các em học sinh nơi đây trở thành ngôi nhà thứ 2 của mình. Mỗi ngày trôi qua, được nhìn thấy học sinh đến trường đều đặn, chăm ngoan, lễ phép với thầy, cô giáo nên cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Trên hành trình đến với vùng cao Phước Bình, chúng tôi ghé thăm điểm lẻ của Trường TH Phước Bình C, gặp cô giáo Nguyễn Thị Thanh, người đã có thâm niên hơn 11 năm trong nghề. Chia sẻ về quãng thời gian công tác của mình trên vùng cao Phước Bình, cô tâm sự: Thời ấy, cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều lúc làm tôi… rơi nước mắt, nhưng thương bà con mình vất vả, thiệt thòi vì không được học chữ, thương tính thật thà, chân chất của các em học sinh nên chúng tôi quyết tâm ở lại trường. Trong khó khăn, các thầy, cô giáo cùng dựa vào nhau, quyết tâm mang con chữ đến từng bản làng. Và thật hạnh phúc khi ngôi trường miền núi đã trở thành nơi “se duyên” để cô xây dựng gia đình và định cư ở địa phương để tiếp tục gắn bó, nỗ lực hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Chia tay thầy, cô giáo và các em học sinh vùng cao, chúng tôi rời Phước Bình khi trời về chiều. Đi trên con đường nhựa uốn lượn giữa những hàng cây rợp bóng dưới những cơn mưa nặng hạt, tôi lại nghĩ về những thầy, cô giáo vùng cao Phước Bình và càng khâm phục họ nhiều hơn… những người bám trụ gieo mầm cho con chữ ở vùng cao.