Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 143
  • Tất cả: 24885
Khai giảng năm học mới 2015-2016

Khai giảng năm học mới 2015-2016

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Ninh Thuận dự Lễ khai giảng, đánh trống khai trường và trao quà cho Thầy cô và học sinh trường TH Bỉnh Nghĩa 

Sáng ngày 05/9/2015, 25 đơn vị trường học, gần 10.000 học sinh các cấp học  trên địa bàn huyện Thuận Bắc đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016; Lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, ngắn gọn theo chỉ đạo chung của ngành; Nhân dịp Lễ khai giảng Hội khuyến học huyện đã trích 57 triệu đồng trao cho 1900 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho các em; ngoài ra các nhà tài trợ, các cá nhân đã hỗ trợ trên 5000 quyển vở, cặp và dụng cụ học tập cho các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để tiếp sức các em đến trường, duy trì sĩ số, chống bỏ học. Góp phần nâng cao dân trí của địa phương. 
Năm học 2015-2016 là năm học kết thúc kỳ kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015, là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của BCH Trung ương Đảng về  “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện quyết tâm hoàn thành tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý
 - Tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dụ
- Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương  trong việc xây dựng kế hoạch và ban hành kế hoạch phát triển giáo dục trung hạn giai đoạn 2016-2020.  Tiếp tục đổi mới công tác quản lý: trong đó tập trung phân cấp triệt để quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục về quản lý và sử dụng biên chế.  Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính, tài sản công; quản lý chuyên môn tại các cơ sở giáo dục.  Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị nhằm phát huy sức sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

2. Đổi mới chương trình, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục

- Giáo dục mầm non: Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tập trung ưu tiên cho mẫu giáo 5 tuổi (đảm bảo tất cả các địa phương đạt tỷ lệ huy động từ 98% trở lên, phấn đấu ít nhất 85% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, tăng tỷ lệ từ 3-4%). Duy trì 100% các bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non ở mỗi địa phương. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10% ở thể nhẹ cân và thể thấp còi giảm ít nhất 1% số trẻ suy dinh dưỡng so với cùng kì năm trước. Tiếp tục duy trì và nâng cao các chỉ số và tiêu chí xã đạt chuẩn  quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nhằm duy trì vững chắc kết quả đã đạt  được trong năm học 2014 -2015.

- Giáo dục phổ thông : Triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và chỉ đạo tập trung đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu họctheo Thông tư 30. Tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm về triển khai mô hình giáo dục như: chương trình SEQAP, VNEN. Triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình Tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” tại 5 trường tiểu học, phát triển thêm ở các trường có điều kiện. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.  Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá, nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

- Giáo dục thường xuyên: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời; các hoạt động để thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở địa phương; củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; dạy văn hoá kết hợp với dạy nghề và hướng nghiệp; thực hiện chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

3. Tiếp tục rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất

Tập trung đánh giá kết quả phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015; quy hoạch lại mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng quy hoạch trường trọng điểm, liên thôn, liên xã có mạng lưới giao thông thuận lợi nhằm tăng quy mô học sinh trên lớp đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát và đưa vào kế hoạch đề nghị các cấp thẩm quyền đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn cho tất cả các trường học còn thiếu phòng học, phòng xuống cấp, học nhờ, học tạm; trong đó chú trọng và bám sát Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020

4. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

- Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý các trường học giai đoạn 2015-2020 nhằm đảm bảo tính kế thừa, đảm bảo tính đặc thù ngành có nữ là số đông, đảm bảo có ít nhất 25% nữ là cán bộ quản lý nữ.  Xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên từ miền núi về đồng bằng và ngược lại nhằm đảm bảo sự công bằng, tạo cơ hội để mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có cơ hội phát triển và khẳng định mình. Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.  Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng

 Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng Luật thi đua khen thưởng và Nghị định 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ; tăng cường công tác truyền thông trong thi đua khen thưởng, phát hiện các nhân tố mới, nhân tố điển hình để khen thưởng kịp thời. Đề xuất khen thưởng, biểu dương kịp thời các nhân tố mới, tích cực trong phong trào thi đua “ Dạy tốt- Học tốt”; những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có những bước độ phá trong công tác quản lý, chỉ đạo làm thay đổi và có hiệu quả về quản trị trường học, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc.