Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 98
  • Trong tuần: 801
  • Tất cả: 152301
“Chiêu” quản lí lớp học và tạo lập môi trường dạy học phân hóa

“Chiêu” quản lí lớp học và tạo lập môi trường dạy học phân hóa

GD&TĐ - Trong quá trình thực hiện dạy học phân hóa, để phát huy hiệu quả của các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và các phương tiện dạy học, giáo viên cần có năng lực quản lí lớp học hiệu quả.

Dưới đây là chia sẻ của TS Lê Thị Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) - về các hoạt động giáo viên cần lưu ý để thực hiện tốt nội dung này.

Phân hóa thời gian hợp lí

Giáo viên cần cân nhắc, phân phối thời gian linh hoạt cho từng hoạt động phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo cho mọi học sinh đều được cung cấp một khoảng thời gian đủ để thực hiện nhiệm vụ hoặc hoạt động của mình.

Một trong những cách thức hiệu quả để phân phối thời gian hợp lí là sử dụng hoạt động "mỏ neo", hoạt động này cho phép mọi học sinh được chủ động chuyển sang hoạt động khác khi đã hoàn tất nhiệm vụ được giao.

Tính toán kĩ cách thức giao bài tập, nhiệm vụ cho học sinh

Đưa ra cùng lúc nhiều yêu cầu cho cả lớp có thể gây khó hiểu và khiến học sinh chỉ tập trung chú ý vào việc xem xem bạn khác đang làm gì.

Vì thế, cách tốt hơn là thiết kế và đưa ra các nhiệm vụ học tập thông qua các thẻ hoặc phiếu học tập dành cho từng cá nhân hoặc nhóm học sinh.

Điều này có ưu điểm là học sinh có thể xem lại nhiệm vụ được giao mỗi khi cần thiết. Một cách khác là giáo viên có thể đưa ra một nhiệm vụ cho một vài học sinh có trách nhiệm và những học sinh này sẽ thông báo, trao đổi lại về nhiệm vụ đó với các bạn của nhóm mình.

Giáo viên cần cân nhắc kĩ lưỡng về những nhiệm vụ này và dự đoán được những sai lầm học sinh thường mắc phải cũng như các vấn đề có thể nảy sinh.

Khi một phần nội dung của nhiệm vụ đòi hỏi học sinh phải di chuyển tới vị trí khác trong lớp thì cần khống chế thời gian cho sự di chuyển (thông thường thì càng nhanh càng tốt nhưng phải đảm bảo không gây mất trật tự) và di chuyển có trật tự rõ ràng.

Khai thác hoạt động hỗ trợ của giáo viên và bạn học

Giáo viên có thể giúp học sinh học cách làm việc chủ động hơn bằng cách gợi ý các em yêu cầu các bạn khác hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Ngoài ra, giáo viên còn có thể tạo ra “đội hỗ trợ trong ngày”, gồm một hoặc một vài học sinh khá - giỏi ngồi vào một bàn và sẵn sàng hỗ trợ cho các bạn khác.

Càng nhiều học sinh có khả năng đảm nhiệm vai trò của “đội hỗ trợ trong ngày” càng tốt, những học sinh này có thể giúp đỡ bạn mình bằng cách kiểm tra câu trả lời, trả lời câu hỏi về nhiệm vụ hoặc tài liệu,...

Học sinh cũng có thể cố gắng tự vượt qua khó khăn bằng cách tư duy trên giấy những vướng mắc của mình. Giáo viên cần giúp học sinh biết khi nào có thể nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên, khi nào thì không và các em có thể làm gì khi cần đến sự hỗ trợ của giáo viên nhưng giáo viên không thể đưa ra sự trợ giúp.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh

Giáo viên cần giúp cho học sinh hiểu rằng mình đánh giá cao những nỗ lực học tập của các em vì điều này sẽ khiến chúng làm việc tốt hơn.

Không chỉ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của học sinh đối với việc quản lí lớp hiệu quả mà còn cần giúp các em phát triển tính độc lập - một trong những phẩm chất quan trọng cần hình thành ở người học.

Học sinh có thể thực hiện các công việc, nhận xét công việc của người khác, di chuyển đồ đạc, tự theo dõi sự tiến bộ của mình thông các mục tiêu đặt ra, tự đặt ra nhiệm vụ, bài tập cho mình hoặc đóng góp ý kiến cho lớp học hiệu quả.

Sự trao đổi kinh nghiệm của bản thân cũng như những gì đã thu thập được sẽ rất có ý nghĩa trong quá trình học tập tiếp theo - nó giúp tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều. Bên cạnh đó, nhiều khi giáo viên sẽ phải ngạc nhiên vì học sinh có thể phát hiện ra giải pháp cho một vấn đề trước cả giáo viên.

Xây dựng môi trường dạy học phân hóa

Để xây dựng một môi trường dạy học phân hóa hiệu quả, giáo viên có thể cần cân nhắc đến một số vấn đề sau:

Chỉ định học sinh thành các nhóm hoặc các khu vực chỗ ngồi; dạy sắp xếp lại đồ đạc trong lớp học; tạo ra những chỗ ngồi cố định cho học sinh; hạn chế tối đa tiếng ồn; giảm thiểu những di chuyển không mục đích.

Coi trọng việc phát huy những điểm mạnh của học sinh

Khi giáo viên đưa ra các khả năng lựa chọn mục tiêu dạy học khác nhau, học sinh có thể tập trung vào việc phát huy điểm mạnh của riêng mình.

Theo đó, để đạt được cùng một mục tiêu dạy học, giáo viên thiết kế các nhiệm vụ học tập với mức độ phức tạp, khó khác nhau và giao cho các cá nhân hoặc nhóm học sinh có trình độ nhận thức phù hợp giải quyết từng nhiệm vụ.

Giáo viên cũng có thể đưa ra cùng một nhiệm vụ nhưng phân hóa sự hướng dẫn, gợi ý, giúp đỡ các em trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình dạy học môn Toán ở tiểu học giáo viên nên kết hợp linh hoạt cả hai cách làm trên để đạt hiệu quả dạy học cao nhất.

Phát huy sự giúp đỡ của bạn học và sự cố vấn của người lớn

Tất cả mọi học sinh, không chỉ là những học sinh yếu - kém đều có thể nhận được những sự hỗ trợ, cố vấn nhất định từ phía người khác.

Việc xếp một học sinh khá giỏi ngồi cạnh một học sinh yếu - kém sẽ đem lại những hiệu quả tích cực vì nhờ thế, không chỉ học sinh yếu - kém tiến bộ hơn mà em học sinh khá - giỏi cũng được rèn luyện khả năng diễn đạt một vấn đề.

Bằng cách sử dụng hệ thống con người và công nghệ trong lớp học, trường học, trong cộng đồng, giáo viên có thể tạo ra một hệ thống hỗ trợ mở cho học sinh.

Thông qua đó, trao cho mọi học sinh cơ hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ người khác học tập tốt hơn.

Hải Bình (ghi)
Theo Báo giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image