Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 222
  • Tất cả: 152733
Nâng chất HSG Văn qua bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học

Một học sinh giỏi văn, xét đến cùng, phải có năng lực suy cảm tốt, đó là năng lực trí tuệ và năng lực tâm hồn, thể hiện ở khả năng liên tưởng, tưởng tượng, triển khai logic hình thức và logic biện chứng...

Bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn cần hướng tới đánh thức và bồi đắp những giá trị đó.

Từ quan điểm này, thầy Trần Chinh Dương - Giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) - cho rằng: Một trong những phương pháp giúp nâng cao chất lượng đội tuyển học sinh giỏi Văn đó là bồi dưỡng cho các em năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH).

Theo đó, năng lực NCKH là năng lực sáng tạo của học sinh trong nghiên cứu nhằm làm giàu thêm và làm mới tri thức văn học.

Đối với học sinh giỏi trong đội tuyển HSG quốc gia ở cấp THPT, hoạt động nghiên cứu này không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các quy trình như ở bậc đại học mà giáo viên bồi dưỡng đội tuyển cần cân nhắc để học sinh được làm quen, thực hiện các thao tác nghiên cứu dưới dạng bài tập nhỏ.

Tri thức mà các em khám phá được cũng không cần đạt yêu cầu mới hoàn toàn, mà có thể dựa trên những tri thức đã có để đào sâu, làm kĩ.

Thêm nữa, thời gian ôn luyện đội tuyển không dài, không thể chọn những đề tài quá lớn và kéo dài quá trình thực hiện vì sẽ không hiệu quả, không đạt mục tiêu. Mỗi tri thức khám phá được từ các bài tập nghiên cứu nhỏ này sẽ được các em sử dụng để viết bài văn của mình.

Với định hướng trên, thầy Trần Chinh Dương chia sẻ quy trình bồi dưỡng năng lực NCKH cho đội tuyển học sinh giỏi Văn mà bản thân đã có trải nghiệm thực tế.

Định hướng học sinh lựa chọn đề tài

Đề tài mà học sinh lựa chọn phải liên quan đến các vùng kiến thức được ôn luyện trong quá trình tham gia đội tuyển. Ngoài kiến thức nền mà học sinh đã được trang bị lần lượt trong quá trình học tập, cần chú ý đến kiến thức chuyên.

Việc hướng dẫn học sinh lựa chọn đề tài cần đảm bảo những nguyên tắc: Giáo viên thực hiện gợi dẫn học sinh chọn đề tài ở từng vùng kiến thức, từng chuyên đề một cách tuần tự, không nóng vội;

Giáo viên ôn luyện gợi ý một số đề tài mẫu, sau đó khơi gợi để học sinh tự lựa chọn đề tài mới;

Giáo viên chỉ thông qua các đề tài đảm bảo các yêu cầu: Đề tài không quá khó, không quá rộng, đề tài có tính vấn đề (nếu mới càng tốt) và được đặt tên khoa học;

Khi hướng dẫn học sinh chọn đề tài, cần đảm bảo việc học sinh đã phải được trang bị tương đối đầy đủ các kiến thức nền, ngoài ra các em cũng được hướng dẫn đọc thêm các tài liệu nghiên cứu có liên quan đến vấn đề;

Cách chọn đề tài

Có thể hình dung về cách chọn một đề tài như sau:

Lấy một tác phẩm văn học làm trung tâm (tác phẩm mà học sinh quan tâm, yêu thích).

Xác định các yếu tố có liên quan đến tác phẩm như: thể loại, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, tác giả, thời đại,... rồi tìm ra các mối quan hệ, các mối quan hệ này sẽ là gợi ý cần thiết để gọi tên đề tài.

Cần chú ý, các yếu tố liên quan đến tác phẩm phải tiêu biểu, được diễn đạt gọn gàng thì mới phát lộ được các mối quan hệ. Hình dung về mối quan hệ này qua bảng sau:

Chẳng hạn, với Tự tình II của Hồ Xuân Hương, cần lập bảng chi tiết sau:

Từ đó, có thể rút ra được một số đề tài như: Chất dân gian qua bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương; Sự phá vỡ tính quy phạm của văn học trung đại qua bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương; Vẻ đẹp nhân văn trong Tự tình II của Hồ Xuân Hương; Sắc diện của ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương qua bài thơ Tự tình II. …

Một tác phẩm như trên, thậm chí còn hứa hẹn nhiều mối quan hệ rộng hơn thế, tùy thuộc vào sự liên tưởng và kết nối kiến thức của người học.

Nếu kết nối các vấn đề của Tự tình II với các tác phẩm thơ trữ tình trung đại, các em có thể xây dựng được thêm rất nhiều đề tài khác.

Chẳng hạn, xét mối quan hệ của Tự tình II với Thương vợ của Trần Tế Xương, có thể thấy sự gặp gỡ nhau về đề tài người phụ nữ, về sự phá cách thơ Đường để kéo gần về với thơ Việt.

Do đó, có thể có những đề tài sau: Hình tượng người phụ nữ qua Tự tình II của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương; Việt hóa thơ Đường trong Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Thương vợ (Trần Tế Xương);

Một vài đặc điểm cơ bản của thơ trữ tình trung đại Việt Nam qua Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Thương vợ (Trần Tế Xương).

Để lựa chọn được đề tài có tính mới, chưa được viết nhiều trong các sách nghiên cứu, học sinh cần thu thập và đọc thêm các nguồn tài liệu đã viết về Tự tình II.

Định hướng học sinh giải quyết đề tài

Để giải quyết tốt đề tài, giáo viên hướng dẫn học sinh lần lượt đặt các câu hỏi lớn. Thực chất, giải quyết một đề tài khoa học chính là quá trình lần lượt đặt ra các câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề đã chọn.

Các công việc cần hướng dẫn học sinh, về cơ bản, có thể hình dung như sau:

Thứ nhất, hướng dẫn đặt bộ câu hỏi. Đặt các câu hỏi thực chất là xác định khung ý của bài tập nghiên cứu. Ở đó, cần phân biệt các loại câu hỏi khác nhau: Câu hỏi để xây dựng lý thuyết về vấn đề nghiên cứu; Câu hỏi để tìm câu trả lời về vấn đề nghiên cứu (mô tả, phân tích); Câu hỏi để lí giải vấn đề,...

Thứ hai, hướng dẫn lựa chọn câu hỏi trọng tâm để đi sâu giải quyết. Trong các câu hỏi trên, loại câu hỏi để xây dựng lý thuyết về vấn đề nghiên cứu cần được trả lời gọn gàng; cần chú ý đến loại câu hỏi để tìm câu trả lời về vấn đề nghiên cứu (mô tả, phân tích) và câu hỏi để lí giải vấn đề,...

Thứ ba, hướng dẫn các phương pháp trả lời câu hỏi. Cuối cùng, định dung lượng của bài tập nghiên cứu.

Định hướng học sinh vận dụng kết quả nghiên cứu vào bài viết

Có hai hướng sử dụng kết quả nghiên cứu của học sinh vào bài viết văn, đó là sử dụng một phần và sử dụng toàn phần.

Sử dụng một phần nghĩa là học sinh lấy một ý trong bài nghiên cứu của mình để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển một ý nào đó trong bài viết văn.

Sử dụng toàn phần nghĩa là học sinh lấy toàn bộ kết quả nghiên cứu của mình (đã được tóm tắt) để đưa vào bài viết văn.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image