VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG CỦNG CỐ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VIỆT NAM

 (VBSP News) Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong kho tàng truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu mang đến thành công cho cách mạng Việt Nam. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho chiến lược đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi. Tín dụng chính sách xã hội đã, đang và sẽ là biện pháp phù hợp, sáng tạo với tình hình hiện nay, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến đến những thắng lợi mới.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần gắn kết nhân dân với nhân dân, nhân dân với Đảng, nhân dân với các tổ chức chính trị - xã hội, giữa các đoàn thể với nhau

Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam hiện nay

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” - lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng chủ đạo và phương châm hành động của Đảng ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới hiện nay. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị để tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Hiện nay, Đảng ta xác định Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Như mục tiêu tổng quát của Văn kiện khẳng định: “Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”. Nội dung trên cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình đổi mới, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gay gắt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân… còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận cùng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược tạo ra sức mạnh để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.Đảng luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp các ngành. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc: lấy dân làm gốc, phát huy quyền làm chủ của dân, nguồn lực nhân dân, thực hiện đoàn kết toàn dân; lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo; bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc, quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động; tổ chức đại đoàn kết dân tộc là mặt trận dân tộc thống nhất; lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục làm phương thức hoạt động chủ yếu.

Như vậy, nhằm chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới, Đảng ta xác định chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và coi đó là một nguyên tắc có ý nghĩa như là một quy luật để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc - thực hiện đại đoàn kết trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc và quyền lợi chính đáng của nhân dân lao động. Những kết quả đạt được trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng tầm cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giảm nghèo bền vững, giảm sự phân hóa giàu- nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Để củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, luôn luôn biến đổi hiện nay, để khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng, Đảng đã nêu nguyên tắc tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, giàu mạnh, chú trọng cải thiện đời sống của nhân dân lao động. Đây được coi là mẫu số chung để thực hiện đoàn kết dân tộc.

Để thực hiện các công việc to lớn như trên thì việc hình thành và phát triển tín dụng chính sách xã hội là một biện pháp cần thiết và quan trọng nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển đời sống kinh tế của nhân dân, củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói xây dựng CNXH là xây dựng xã hội “dân giàu”, mọi người cùng giàu có, cùng khấm khá thì những điều kiện để bảo đảm sự hài hòa lợi ích mới thực sự được hiện thực hóa: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn/Người đủ ăn thì khá giàu/Người khá giàu thì giàu thêm”. Quan điểm nêu trên khuyến khích người giàu phải “giàu thêm”, việc làm giàu của người này không đe dọa cơ hội phát triển của người khác, dĩ nhiên đó phải là làm giàu lương thiện, hợp pháp; người nghèo có quyền phát triển bằng nỗ lực phấn đấu vươn lên “đủ ăn”, rồi tiến lên “khá giàu”. Vì vậy, giảm nghèo bền vững là đích đến của một xã hội trong đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được phồn vinh và ổn định. Khi đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng có nghĩa là chúng ta đang xóa dần sự phân hóa giàu nghèo, tạo công bằng xã hội và đảm bảo được sự phát triển bền vững trong tương lai. Sự phân hóa giàu nghèo có chiều hướng gia tăng đã và đang ảnh hưởng lớn đến đại đoàn kết dân tộc, tác động mạnh mẽ đến khối đại đoàn kết hiện nay. Bởi, phân hóa giàu - nghèo là yếu tố làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng xã hội và làm cho chủ nghĩa cá nhân và lối sống cơ hội, thực dụng ngày càng phát triển, phá vỡ sự gắn kết giữa các tầng lớp nhân dân. Xã hội có sự phân hóa giàu - nghèo thường làm mất đi lòng nhân ái, làm cho con người mất đi sự cảm thông, chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn, hoạn nạn của đồng loại; đồng thời, không quan tâm đến vận mệnh đất nước, đến sự phát triển và tiến bộ xã hội; không đấu tranh bảo vệ lợi ích chung, phá hoại tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Điều đó khiến cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc mất đi những nền tảng cơ bản để duy trì và phát triển.

Để giảm sự phân hóa giàu - nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các biện pháp xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số… Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”. Việc giải quyết tình trạng phân hóa giàu - nghèo cùng những hệ lụy của nó phải dựa trên việc tạo ra động lực mạnh mẽ để mọi tầng lớp nhân dân tích cực phát triển kinh tế; tránh tư tưởng “cào bằng”, dẫn đến triệt tiêu động lực làm giàu của nhân dân. Khi các chính sách xóa đói, giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ người khá giả trong xã hội gia tăng thì sức mạnh tổng thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố; lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước cũng được tăng cường.

Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm… đã giúp cho lĩnh vực kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến tích cực. Trong đó, tín dụng chính sách xã hội là một biện pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tín dụng chính sách xã hội giảm thiểu sự xuất hiện sự chênh lệch ngày càng lớn về mức thu nhập và hưởng thụ giữa các vùng, miền, giữa các tầng lớp nhân dân. Thúc đẩy thực hiện đúng, đủ tín dụng chính sách xã hội góp phần đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Góp phần giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội

Thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội tạo cơ hội ngang nhau cho các thành viên trong xã hội trong việc tiếp cận các nguồn lực, cụ thể ở đây là nguồn vốn nhằm khuyến khích mỗi cá nhân tích cực vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh, lập thân, lập nghiệp, nhất là trong khởi nghiệp. Tín dụng chính sách xã hội giúp bất kể thành viên nào trong xã hội đều nhận thức được rằng để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của bản thân, trước hết cần có sự cố gắng, rèn luyện, cần cù, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, đóng góp cho xã hội; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm các lợi ích chính đáng của bản thân từ các chủ thể khác; loại bỏ tư tưởng tự mãn, ỷ lại; có cái nhìn tích cực về các vấn đề của xã hội, tìm ra những cơ hội cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội góp phần khuyến khích phát triển lợi ích cá nhân chính đáng, lợi ích xã hội đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; các mâu thuẫn, xung đội đối kháng về lợi ích cơ bản giữa cá nhân và xã hội được giảm thiểu tối đa, xã hội ổn định; gia tăng tính tích cực của các chủ thể, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của cá nhân và xã hội, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội. Thực tế cho thấy, đại đoàn kết phải đảm bảo lợi ích của các giai cấp: công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, dân tộc, tôn giáo… để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Tín dụng chính sách xã hội đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết sẽ rất thuận lợi. Chỉ có bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết hài hòa lợi ích mới có thể có đoàn kết thực sự. Điều này khẳng định vai trò của các chính sách phúc lợi mà Đảng ta đang chủ trương thực hiện, trong đó có tín dụng xã hội.

Tăng cường niềm tin của nhân dân và đồng thuận xã hội. Niềm tin nhân dân có thể được hiểu là sự tin tưởng, kỳ vọng của cộng đồng cư dân trong một quốc gia đối với các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đất nước của nhà quản lý. Niềm tin nhân dân có vai trò rất quan trọng. Nó là nhân tố trung tâm quyết định tinh thần đoàn kết của dân tộc; là động lực khai phóng các tiềm năng, các nguồn lực của đất nước và là tiền đề vững chắc để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc. Có niềm tin mới có đoàn kết dân tộc. Sự phát triển hay suy giảm niềm tin luôn kéo theo tỉ lệ thuận tương ứng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Do đó cần đặt mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với việc củng cố và phát huy niềm tin trong quần chúng nhân dân. Việc gắn chặt niềm tin với tinh thần đoàn kết không chỉ cho phép tăng thêm sức mạnh nội lực trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới mà còn làm gia tăng thêm sức đề kháng cho quốc gia trong việc đập tan các hành động xâm lấn của kẻ thù và cả những âm mưu chống đối, chống phá nhà nước. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng tìm mọi thủ đoạn để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, chia rẽ các giai tầng xã hội; từ đó làm cho địa vị, vai trò lãnh đạo của Đảng bị lung lay. Lợi dụng những biểu hiện lệch lạc về nhận thức, những rạn nứt về tình cảm, niềm tin trong một bộ phận nhân dân, chúng đã tung ra rất nhiều luận điệu phản động, sai trái nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự tác động đó diễn ra một cách vừa chậm rãi, vừa tức thời, song nó là một quá trình liên tục, phức tạp, tác động đến cả nhận thức, tâm lý, hành vi xã hội và đến hoạt động của các tổ chức, lực lượng. Chính vì thế, những tác động này trở nên rất nguy hại, cần phải sớm được khắc phục bằng cả những biện pháp trước mắt và lâu dài.

Tình trạng phân hóa giàu - nghèo, mâu thuẫn lợi ích giữa các thành viên trong xã hội làm nảy sinh những nhận thức sai lệch, gây suy giảm tình cảm và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các chính sách an sinh xã hội nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng góp phần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của người thụ hưởng chính sách; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết nhân dân với nhân dân, nhân dân với Đảng, nhân dân với các hội đoàn thể, giữa các hội đoàn thể với nhau; giúp chính quyền nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, bức xúc của nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với thôn, bản, làng, xã có cuộc sống ổn định, đời sống được nâng cao. Từ đó tạo dựng niềm tin của nhân dân một cách sâu sắc và thiết thực vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đối với nhóm người dễ bị tổn thương.

ThS. Bùi Thanh Nga - ThS. Nguyễn Thúy Hà



Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 116
  • Trong tuần: 1156
  • Tất cả: 177799

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ : 264, Thống Nhất, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại :  02593 837423 - Fax: 02593 825255     Email : ninhthuan.vbsp@gmail.com