Ninh Thuận phát huy hiệu quả tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng nỗ lực mang nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương. Nhờ đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới ở vùng đất còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận.

Nguồn vốn từ NHCSXH giúp nhiều lao động ở Ninh Thuận phát triển việc làm, nâng cao đời sống gia đình

Đổi thay nhờ tín dụng ưu đãi

Ninh Thuận là vùng đất đầy nắng và gió nằm ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Nơi đây vẫn còn nhiều hộ dân nghèo cần có sự hỗ trợ về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Thấu hiểu điều đó, cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã ngày đêm không quản gian khó, nỗ lực mang đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với bà con…

Bắc Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc. Toàn xã có 2.174 hộ dân, với 3 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Kinh, Chăm và Raglai. Trong đó, số hộ DTTS là 1.540 hộ, với 7.813 nhân khẩu, chiếm 91,14% số hộ. Những năm trước đây, hộ nghèo của xã chiếm tỷ lệ tương đối cao, khi lên đến hơn 30%, đời sống của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn… Song, gần đây Bắc Sơn đã chuyển mình nhanh chóng, “thay da đổi thịt” từng ngày với tỷ lệ thoát nghèo hằng năm đạt trên 5%. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương thì một trong những ‘đòn bẩy’ thoát nghèo ở Bắc Sơn chính là nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.

Gia đình ông Mang Đen ở thôn Xóm Bằng là điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả từ NHCSXH ở Bắc Sơn. Theo đó, năm 2019 thông qua Hội Nông dân, gia đình ông Đen được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Có vốn, ông đầu tư làm chuồng nuôi dê sinh sản. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn dê tăng nhanh, mỗi lần xuất bán đều cho lãi cao. Sau thời gian làm ăn tích cóp được một số vốn, ông Mang Đen lại chủ động cải tạo đất trồng hành lá. Đến nay, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đã tạo thu nhập mỗi năm cho gia đình khoảng gần 100 triệu đồng, cuộc sống cơ bản đã đi qua những ngày tháng khó khăn, đời sống kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Không chỉ thoát nghèo, nguồn vốn từ NHCSXH còn giúp nhiều gia đình ở xã Bắc Sơn, có điều kiện duy trì và phát triển việc làm, nâng cao đời sống. Đơn cử, hộ ông Dương Quang Sang, thôn Bỉnh Nghĩa, sau khi được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, ông đã đầu tư chuồng trại, trồng cỏ để nuôi 7 con bò, 40 con dê… Thu nhập từ chăn nuôi, giúp cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể, con cái ăn học đàng hoàng.

Vai trò những cánh tay “nối dài”

Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, đến hết năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.500 tỷ đồng, với hơn 81.300 khách hàng còn dư nợ, tăng 575,2 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng là 19,6%…

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lê Minh Lộc cho biết: Năm 2023, bám sát mục tiêu của HĐQT, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chi nhánh đã tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả các mặt hoạt động. Trong đó, tập trung triển khai các biện pháp huy động vốn theo kế hoạch trên giao; đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, chi nhánh luôn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, NHCSXH phối hợp tốt với các tổ chức này tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của 1.619 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả, nề nếp việc giao dịch tại 65 Điểm giao dịch xã, công khai những nội dung về tín dụng chính sách xã hội. Chi nhánh cũng tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ngành liên quan, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, tham mưu Ban đại diện HĐQT giao chỉ tiêu nâng cao chất lượng tín dụng cho các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

 

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã và đang phát huy hiệu quả ở Ninh Thuận

Để hoạt động ủy thác mang lại hiệu quả, Tỉnh đoàn Ninh Thuận đã tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện triển khai vốn vay, tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng theo văn bản thỏa thuận ủy thác đã ký với NHCSXH. Hiện, toàn tỉnh có trên 14.260 đoàn viên thanh niên được vay vốn, cùng với sức trẻ và sáng tạo trong lao động sản xuất, nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn tìm tòi, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất thử nghiệm, hình thành các mô hình tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên đánh giá: Hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tăng cường chỉ đạo, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi theo các nghị quyết, quyết định và các văn bản của cấp trên. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 67-CT/TU, Kế hoạch số 59-KH/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, tham mưu ưu tiên cân đối ngân sách địa phương ủy thác bổ sung sang ngân hàng theo chỉ tiêu giao. Tập trung rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đủ điều kiện vay vốn để kịp thời giải ngân nguồn vốn vay theo quy định; đồng thời xây dựng các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, thu hồi, giảm nợ quá hạn; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các nội dung trong văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác đã ký kết với ngân hàng và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở địa phương…

Nghi Lộc - Gia Hoàng


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 106
  • Trong tuần: 1146
  • Tất cả: 177789

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ : 264, Thống Nhất, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại :  02593 837423 - Fax: 02593 825255     Email : ninhthuan.vbsp@gmail.com