20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP: Chính sách nhân văn - hành động trúng, đúng

(VBSP News) Cùng nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đại diện cho cử tri các tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng và Bình Thuận cho rằng, Nghị định đã mở ra tương lai tươi sáng cho những mảnh đời khó khăn, yếu thế; là công cụ đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong hành trình xây dựng, phát triển và trên hết là sự nhân văn của chế độ mà không phải quốc gia, dân tộc nào cũng có được... NHCSXH trân trọng giới thiệu cuộc đàm thoại chính sách của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông. Cuộc đàm thoại do Báo Đại biểu nhân dân cùng phối hợp thực hiện.


Người dân ổn định việc làm, phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Trên dưới đồng lòng

Phóng viên: Đại biểu đánh giá thế nào về việc triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn mình?

- Đại biểu Quộc hội Nguyễn Tạo: Trước tiên, tôi đánh giá cao chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng khi xây dựng được mô hình hoạt động gọn nhẹ nhưng bảo đảm triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hiệu quả. Đến nay, trên 99,2% tổng số tiền phát sinh cho vay, thu nợ, thu lãi của chi nhánh đã được thực hiện tại Điểm giao dịch xã (với 142 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn).

Cùng với đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của hệ thống NHCSXH đạt hiệu quả cao nhất. Đến 31/10/2022, tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 4.805 tỷ đồng, tăng hơn 4.702 tỷ đồng so với năm 2002 (tăng 46,9 lần), tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm 22,7%. Đặc biệt, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt hơn 384,5 tỷ đồng, tăng hơn 371,4 tỷ đồng so với năm 2002 (tăng 29,5 lần), chiếm 8,0% tổng nguồn vốn.

 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo

Công tác tuyên truyền được địa phương chú trọng và tập trung vào các nội dung về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ, với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

- Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức: Tôi cho rằng, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và cách thức triển khai của NHCSXH đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo không chỉ ở Cao Bằng, mà ở tất cả các địa phương có điều kiện tương đồng như Cao Bằng.

Sau 20 năm, với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù, đã có trên 9.700 tỷ đồng của Nhà nước được NHCSXH chuyển tải đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Chính sách tín dụng ưu đãi được Nhà nước ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương; hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông: Một ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Một chính sách mở đường, trụ cột để cho các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên… Với tôi, đó là điểm đặc biệt khiến các chương trình tín dụng chính sách có sức sống mãnh liệt trong suốt 20 năm qua.

Tại Bình Thuận cũng vậy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào chương trình làm việc thường xuyên; hàng tháng, hàng quý thực hiện đánh giá kết quả hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Ban đại diện Hội đồng quản trị; sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các sở, ban, ngành trong thực thi nhiệm vụ đã giúp chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận thực hiện tốt mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra. Đó là xã hội hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Công phá toàn diện vào khu vực khó khăn

Phóng viên: Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã tác động thế nào đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, thưa đại biểu?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo: Dự kiến năm 2022, tỉnh Lâm Đồng vượt thu ngân sách khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, để đạt được thành tích này, có phần đóng góp từ các hộ thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế bằng nguồn tín dụng chính sách. Điều đó thêm một lần khẳng định tính hiệu quả của các chính sách tín dụng ưu đãi. Tôi cho rằng, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thiết kế chính sách từ cho không đến cho vay có điều kiện, đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, sử dụng vốn có hiệu quả bằng các loại hình sản xuất đa dạng.

Các đối tượng thụ hưởng, từ mặc cảm tự ti, sợ vay, không dám vay, nay đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả thiết thực, tạo được lòng tin của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng DTTS; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện, giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Cùng với đó, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương.

- Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức: Nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cải thiện đời sống của người nghèo, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tích cực triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đến nay tại tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 3.320 tỷ đồng, doanh số cho vay trong 20 năm đạt 10.088 tỷ đồng, giúp cho hơn 421 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo được tập trung chủ yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh. Vốn vay được các hộ nghèo chủ yếu đưa vào sản xuất nông nghiệp như khai hoang, cải tạo ruộng nương, chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm, trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp… gắn với tập quán sản xuất của người dân địa phương.

Với thủ tục đơn giản, nhiều ưu đãi, tiếp cận và thụ hưởng dễ dàng, giúp người nghèo làm quen dần với việc có vay - có trả. Qua đó, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 32,98% xuống còn 20,32% (tỷ lệ giảm 12,66% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 13.809 hộ; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (tỷ lệ giảm 20,47% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 19.555 hộ (theo tiêu chí mới).

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông: Thực tế giám sát tại các các địa phương trong tỉnh cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải đến 100% thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Nguồn vốn góp phần giúp cho gần 61,3 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 67 nghìn lao động, giúp trên 65 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 341,5 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 4,1 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, 287 căn nhà cho người có thu nhập thấp…

Nguồn vốn đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thông qua việc triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 14 nghìn lượt người lao động; giải ngân các chương trình tín dụng chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 213 tỷ đồng. Nguồn vốn cũng góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng.

Việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Thuận được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,96% thời điểm đầu năm 2002 đến cuối năm 2021 còn 3,16%, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Thiết kế và phân bổ hài hòa nguồn lực

Phóng viên: Qua giám sát việc thực thi các chính sách giảm nghèo, nhất là Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh. Ông thấy có vấn đề gì cần điều chỉnh, bổ sung?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo: Tôi nhận thấy, mức cho vay tối đa đối với từng chương trình hiện nay áp dụng chung cho tất cả các vùng trong cả nước là chưa phù hợp. Do đó, Chính phủ xem xét điều chỉnh nâng mức vay tối đa các chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả, nông nghiệp công nghệ cao lên mức 200 triệu đồng/hộ cho phù hợp với Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế, với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nên nhu cầu vốn để đầu tư chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là rất lớn. Đề nghị NHCSXH tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để tạo điều kiện cho người lao động vay vốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Chúng tôi cũng mong, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nghiên cứu trích một phần Quỹ vì người nghèo ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để giúp sức cho các hộ thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống lâu dài.

Và cuối cùng, Chính phủ xem xét, ban hành chính sách tín dụng cho vay tiêu dùng và chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình tại xã xây dựng nông thôn mới. Nâng mức vay tối đa đối với các chương trình cho vay sản xuất, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho phù hợp với chi phí thực tế phát sinh.

- Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức: Nhiều năm qua, đã có rất nhiều mô hình vay vốn làm ăn có hiệu quả và thoát nghèo. Điển hình tại 2 huyện Quảng Hòa và Hà Quảng, các hộ dân tộc thiểu số đã vay vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển mô hình chăn nuôi bò, làng rèn, dệt thổ cẩm… mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Ngoài các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai cho vay, năm 2022, tín dụng chính sách đã triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình với số tiền hơn 193,1 tỷ đồng, cho 3.341 khách hàng vay vốn. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp triển khai kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là cho vay đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP giai đoạn 2022 - 2025 đạt 42,9 tỷ đồng với 975 khách hàng vay vốn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện về tính hiệu quả và tính phù hợp của các chính sách hiện hành, gắn với các chính sách trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi đã và đang được triển khai.  Theo đó, nghiên cứu bổ sung chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với hạn mức lớn hơn, thời hạn vay lâu dài hơn… để người dân mở rộng quy mô sản xuất, làm giàu chính đáng trên quê hương của mình.

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông: Vấn đề vốn có lẽ là mối quan tâm không chỉ riêng Bình Thuận, Cao Bằng hay Lâm Đồng. Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách tại địa phương, đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nhất là nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Xem xét, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho vay tiêu dùng và chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình.

 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông

Đồng thời, để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án các hoạt động khuyến công, khuyến nông, gắn với việc đào tạo, chuyển đổi nghề với hoạt động tín dụng chính sách. 

Cử tri rất cần nguồn vốn hỗ trợ

Phóng viên: Còn cử tri thì sao? Nhất là người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có mong muốn gì vào các chính sách hỗ trợ để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thưa đại biểu?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo: Cử tri Lâm Đồng, cũng như bà con cử tri trên cả nước, nhất là đối tượng người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn luôn tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm tạo những điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời nhất. Cùng với đó, kết hợp việc tư vấn, hỗ trợ về KHKT, kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ các tổ chức, cá nhân có liên quan để các đối tượng có thể sử dụng một cách hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

- Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức: Qua tiếp xúc cử tri, cử tri Cao Bằng mong muốn tiếp tục được triển khai và thụ hưởng các chính sách cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bà con mong Chính phủ nghiên cứu, bổ sung đối tượng vay vốn như hộ có mức sống trung bình và có thể cho vay tiêu dùng.

Cao Bằng cũng như các địa phương khác, thực hiện chủ trương “đa dạng hoá nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo NHCSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường và từ các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn để tăng nguồn vốn cho vay; đồng thời, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông: Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, giá cả một số nguyên liệu đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân nhất là người nghèo, cận nghèo. Bà con mong muốn sẽ có thêm nhiều hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, bổ sung chính sách cho vay tiêu dùng và chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình.

Tiếp tục tăng cường thêm nguồn vốn, nhất là nguồn vốn chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn để tạo việc làm tại địa phương.

Bài và ảnh Quang Khánh - Thái Bình



Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 139
  • Trong tuần: 5891
  • Tất cả: 284017

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ : 264, Thống Nhất, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại :  02593 837423 - Fax: 02593 825255     Email : ninhthuan.vbsp@gmail.com