Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính
sách xã hội, nhiều hộ nghèo ở huyện Ninh Phước có điều kiện vươn lên thoát
nghèo.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước,
cho biết: Để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, những năm
qua, huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho các xã, thị trấn thực hiện; tổ
chức hội nghị đối thoại về công tác giảm nghèo ở các địa phương, trên cơ sở đó
nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để thực hiện các chính sách, chương
trình, dự án giảm nghèo sát với tình hình thực tế của địa phương.
Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, huyện đã triển khai các mô
hình chăn nuôi bò sinh sản, mô hình chăn nuôi dê vỗ béo cho các khu phố, thôn
khó khăn và các xã vùng bãi ngang, với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó,
huyện còn triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong phát triển
nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và ứng dụng
khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hiệu quả như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên
cây lúa, măng tây xanh, mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; quan tâm hỗ trợ,
tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp.
Nhờ đó, nhiều hộ nghèo vay vốn đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù
hợp, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Não Thị
Ngọc Ly, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, cho biết: Trước đây, gia đình là hộ nghèo,
kinh tế chủ yếu dựa vào 2,5 sào đất trồng hoa màu, năm 2019, chị được Phòng
giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Phước cho vay 50 triệu đồng,
chị đầu tư vào trồng măng tây xanh. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, đến nay mỗi
tháng gia đình chị đã có thu nhập ổn định 7 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện còn quan tâm triển khai có hiệu quả các giải
pháp tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ năm 2019 đến nay, đã tổ chức cho
660 lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn; giới thiệu việc
làm cho 4.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đưa
38 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ xây mới 23 căn
nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; cấp 34.384 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận
nghèo và người dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện cho 1.434 hộ nghèo với 1,9 tỷ
đồng.
Với những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm
nghèo ở Ninh Phước đã được những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ
nghèo của huyện giảm xuống còn 3,9%, dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn 3,4%.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên cho biết thêm: Từ những kết quả đạt được, thời gian
tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo
hướng tập trung khai thác các nguồn lực; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu
hạ tầng nông thôn; vận động Nhân dân khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh
của địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Phối hợp với các
ngành chức năng hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập
trung hỗ trợ người dân phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả,
mô hình liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm... Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ
nghèo bình quân hàng năm 0,5%.
Tiến Mạnh (Báo Ninh Thuận)