Mô hình chăn
nuôi bò từ vốn vay của gia đình chị Chammalé Thị Điểu (huyện Bác Ái)
“Đòn bẩy” thoát nghèo
Ninh Thuận -
vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nắng nhiều, mưa ít, đất đai khô cằn. Thiên, địa
không thuận hòa, tích lũy dân cư thấp nên việc phát triển kinh tế của địa
phương còn gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân thoát khỏi nghèo khó đeo
bám, bài toán về đầu tư tín dụng, đặc biệt là tín dụng ưu đãi đang được đẩy mạnh
thực hiện ở địa phương này.
Chúng tôi về
với huyện Bác Ái - một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh. Tại
đây, đến thăm nhà chị Chamma lé Thị Điểu ở xã Phước Đại. Cuộc sống của gia đình
chị đang ngày thêm no ấm từ đồng vốn tín dụng ưu đãi, dù trước đây rất khó
khăn. Từ năm 2009, được sự động viên của chính quyền, cùng sự giúp đỡ, hướng dẫn
tận tình của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái, chị Chammalé Thị
Điểu đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi bò. Sau đó, chị vay thêm
50 triệu để chăn nuôi heo và trồng rừng. Chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình trả
hết nợ vay ngân hàng, ngoài ra còn có thêm “của để dành”, mở rộng cơ sở sản xuất,
xây chuồng trại kiên cố nuôi bò và nuôi heo.
Cùng giấc mơ
thoát cảnh túng thiếu nhờ vốn vay ngân hàng như gia đình chị Chamma lé Thị Điểu
còn có rất nhiều gia đình khác ở Ninh Thuận. Đặc biệt, có người vươn lên trở
thành khá giả như trường hợp của ông Katơr Hà Khanh ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.
Theo lời ông
Ka tơr Hà Khanh, trước đây gia đình ông luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của địa
phương. Song, từ 50 triệu đồng vốn ưu đãi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội,
ông đã mạnh dạn nuôi trâu bò, cừu dê... Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ
động nguồn thức ăn dự trữ, công việc chăn nuôi của ông gặp thuận lợi, phát triển
thành đàn bao gồm 6 con bò, đàn dê, cừu sinh sản, thu nhập đến cả trăm triệu đồng
mỗi năm. Đến nay, không những thoát nghèo mà gia đình ông có cuộc sống tương đối
khá giả ở địa phương.
Có thể nói,
nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang trở thành “đòn bẩy”
giúp nhiều gia đình ở Ninh Thuận thoát nghèo bền vững. Trong 20 năm qua, tín dụng
chính sách đã giúp cho 473.863 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
được vay vốn, góp phần giúp 63.279 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho
hơn 26 ngàn lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 66.162 học sinh,
sinh viên được vay vốn học tập, 69.657 lượt hộ vay vốn để xây dựng 87.536 công
trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh, 8.035 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở...
Qua 20 năm hoạt
động, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đầu tư cho hộ đồng bào dân tộc
thiểu số là 885,9 tỷ đồng với 28.054 hộ vay còn dư nợ. Trong đó, một số chương
trình tín dụng ưu đãi chỉ nhằm phục vụ cho đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu
số... Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ngày càng giảm bền vững qua các giai đoạn.
Những thành tựu của tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng” và là một
trong những trụ cột trong các chính sách giảm nghèo ở vùng đất còn khó khăn như
Ninh Thuận.
Nhiều kênh dẫn vốn
Để đưa nguồn
vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng, cũng như các địa phương khác tại Ninh
Thuận, vai trò của các hội đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn đang được phát huy
một cách hiệu quả... Từ đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều
kiện tiếp cận với tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Trong đó, vai trò của trưởng
thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở
ngày càng được nâng cao, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về
chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò
giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn,
giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường
hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người
vay.
Đến nay, toàn
tỉnh đã xây dựng được mạng lưới 1.594 Tổ Tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, khu
phố. Việc xây dựng các Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại thôn, khu phố và uỷ thác một
số nội dung công việc qua 4 tổ chức hội đoàn thể đã tác động tích cực đến nhận
thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên, tạo được
tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ, là cánh
tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện tín dụng chính
sách. Điều đó góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng
được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ, hiệu quả kinh tế,
chính trị, xã hội...
Đặc biệt, 20
năm hoạt động trên địa bàn, ngân hàng luôn được sự đồng hành của cấp ủy và
chính quyền địa phương để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng
chính sách xã hội tại địa bàn. Bà Cấn Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái
cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách do chính quyền các cấp quản lý và phân
giao cho cấp dưới. Công tác xét duyệt đối tượng cho vay do UBND cấp xã thực hiện.
Từ đó, đã nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và các
ban ngành, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của
Chính phủ tại địa phương; tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất
kinh doanh, góp phần cải thiện, ổn định đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng
cách giàu - nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh
hoạt.
Với mục tiêu,
đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Ninh Thuận
có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng
Chính sách xã hội cung cấp; Phấn đấu mức tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ bình quân
hàng năm từ 8% trở lên...
Để đạt được
các mục tiêu, nhiệm vụ trên, ông Lê Minh Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng
Chính sách xã hội Ninh Thuận cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả với
chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan tập
trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Chính sách
xã hội; nâng cao chất lượng tín dụng. Đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa
quy trình nghiệp vụ; triển khai đầy đủ và không ngừng nâng cao chất lượng các sản
phẩm, dịch vụ; nâng cao kỹ năng và chất lượng phục vụ khách hàng; nâng cao hiệu
quả hoạt động tại điểm giao dịch xã. Đặc biệt, tiếp tục tham mưu thực hiện tốt
và có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương
Đảng... góp phần để tín dụng ưu đãi ngày càng lan tỏa và hiệu quả ở Ninh Thuận.
(Nghi
Lộc – Thời Báo Ngân hàng)