Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận thực hiện hiệu quả các chương
trình tín dụng chính đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng
Phó Giám đốc
phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận Lê Minh Lộc cho biết: Điểm nổi bật
trong thực hiện Nghị định 78 trong những năm qua ở Ninh Thuận là luôn nhận được
sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp, sự
phối hợp chặt chẽ của các các Sở, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị -
xã hội nhận ủy thác và tinh thần nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống
chi nhánh NHCSXH tỉnh việc triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước
đến với người dân, Đặc biệt, với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện,
trang thiết bị, trụ sở làm việc có ý nghĩa rất lớn, giúp NHCSXH tại địa phương
tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
mà Đảng, Nhà nước giao.
Với quyết tâm
huy động nguồn lực tài chính cùng công tác đảm bảo, nâng cao chất lượng hiệu quả
hoạt động, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận liên tiếp được tiếp nhận các nguồn
vốn từ Trung ương chuyển về, từ ngân sách địa phương chuyển sang, từ huy động
theo hình thức tiền gửi của các tổ chức, doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm của
các tầng lớp nhân dân. Nếu như ở thời điểm mới đi vào hoạt động nhận bàn giao 2
chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, với tổng dư nợ chỉ
gần 80 tỷ đồng thì đến nay chi nhánh đã mở rộng triển khai cho vay thêm 18
chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đến 31/7/2022 đạt trên 2.801 tỷ
đồng, với 76.019 khách hàng còn dư nợ; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên
địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 2.730 tỷ đồng so với thời điểm
mới thành lập.
Kết quả trong
công tác huy động nguồn vốn đã khẳng định cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở tỉnh
Ninh Thuận đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư
Trung ương Đảng, giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu
mối là NHCSXH để quản lý sử dụng thống nhất, đồng thời cân đối nguồn vốn ngân
sách địa phương bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Việc thực hiện
tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
theo Nghị định 78 qua 20 năm đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Nguồn vốn chính
sách đã góp phần giúp trên 63,2 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho
26 nghìn lao động; trên 66,1 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học
tập; xây dựng, sửa chữa trên 80 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh;
trên 8 nghìn hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở.
Song song với
tập trung huy động nguồn vốn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được
mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với
điều kiện thực tiễn của địa phương. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính
sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận thuận lợi tới đồng vốn ưu
đãi của Nhà nước thông qua mạng lưới 65 Điểm giao dịch xã và 1.580 Tổ tiết kiệm
và vay vốn trải khắp các thôn bản. Cùng việc thực hiện ủy thác một số nội dung
công việc qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành những “cánh tay nối
dài” của NHCSXH trong tạo cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn bảo đảm công
khai, dân chủ.

Nhiều hộ gia đình tận dụng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển
mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Từ nét nổi bật
về tăng trưởng dư nợ và khơi thông dòng chảy nguồn vốn tín dụng của NHCSXH mà
người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được
hưởng lợi nhiều, có thêm điều kiện để chủ động khôi phục, phát triển sản xuất,
xây dựng các loại hình kinh tế phù hợp, đạt kết quả. Điển hình như xã Phước
Tân, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã sử dụng hiệu quả nguồn
vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Bác Ái để tận dụng lợi thế đất đai, khai hoang phục
hóa nương đồi, cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn
nuôi, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Có thể khẳng
định, Nghị định 78 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của
cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách, huy động,
tập trung nguồn lực vào việc thực hiện tốt chương trình, mục tiêu chủ trương
chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo, hỗ trợ người nghèo và các đối
tượng chính sách. Thành tựu của tín dụng chính sách chặng đường 20 năm qua được
đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng trong hệ thống
các chính sách giảm nghèo. Điều đó đã chứng minh được tính thực tiễn của chính
sách, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối
tượng chính sách khác.
Phát huy kết
quả đạt được, thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phối
hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội
nhận ủy thác triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của
Ban Bí thư, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách, huy động
nhiều nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ
hưởng, góp phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương
trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đông Dư - Gia Hoàng