Hành trình 20 năm chuyển tải vốn tín dụng chính sách xã hội

Ngày 4-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong suốt hành trình 20 năm qua, tín dụng chính sách (TDCS) mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện đã tạo ra một bước đột phá lớn, góp phần thực hiệu quả mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.


Người dân vay vốn tín dụng chính sách xã hội chuyển đổi mô hình sản xuất.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-HĐQT về việc thành lập Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận và đến đầu tháng 4-2003, Chi nhánh NHCSXH tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Đến tháng 7-2003, phòng giao dịch NHCSXH các huyện cũng được thành lập và ổn định mô hình tổ chức để triển khai thực hiện TDCS ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cán bộ từ lãnh đạo đến nghiệp vụ ít, vừa làm, vừa tuyển dụng, quản lý khối lượng khách hàng lớn, món vay nhỏ lẻ; đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu là hộ nghèo trải rộng khắp toàn tỉnh, tập trung ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trình độ, kinh nghiệm sản xuất và kiến thức sử dụng vốn còn hạn chế, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sử dụng vốn vay.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh, nhìn nhận: Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ra đời được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân hoan nghênh đón nhận, tạo ra cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc tham gia quản lý vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, từ những ngày đầu thành lập, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp luôn chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong việc tăng cường công tác chỉ đạo, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, các đơn vị nhận ủy thác và tinh thần nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống NHCSXH nên những khó khăn từng bước được khắc phục. Đặc biệt, với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc có ý nghĩa rất lớn, giúp NHCSXH tại địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao.

 Đến nay, NHCSXH tỉnh đã tổ chức 65 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và thực hiện ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng qua 4 tổ chức hội, đoàn thể cùng với 1.590 Tổ tiết kiệm và Vay vốn đang hoạt động, được xem là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện TDCS, tạo cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn bảo đảm công khai, dân chủ, đem lại hiệu quả kinh tế một cách rõ nét. Nếu như ở thời điểm mới đi vào hoạt động, từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, với tổng dư nợ chỉ gần 80 tỷ đồng thì đến nay NHCSXH tỉnh đã mở rộng triển khai cho vay thêm 18 chương trình TDCS mới của Chính phủ, với tổng dư nợ (đến ngày 31-7-2022) đạt 2.801,3 tỷ đồng, với 76.019 khách hàng còn dư nợ, chiếm 41,7% số hộ trên địa bàn tỉnh. Chất lượng TDCS thường xuyên liên tục được củng cố, nâng cao theo hướng phát triển bền vững, do đó, nợ quá hạn từ khi nhận bàn giao 14,8 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng dư nợ, thì đến nay nợ quá hạn còn 7,7 tỷ đồng, chiếm 0,28% tổng dư nợ.

Việc thực hiện TDCS ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP qua 20 năm đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Nguồn vốn đã giúp cho 473.863 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 63.279 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp cho hơn 26.000 lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm; có 66.162 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 69.197 lượt hộ vay vốn để xây dựng 87.076 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh; 8.035 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở... Nhìn chung, vốn tín dụng ưu đãi trong những năm qua đáp ứng tương đối đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Quá trình giải ngân vốn gắn với kết hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư vào sản xuất, kinh doanh; từ đó, đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay tăng thu nhập cải thiện đời sống; góp phần thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm từ 1,5 - 2%/năm, tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng cho 31/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Song song với củng cố, nâng cao chất lượng TDCS, việc huy động các nguồn lực tài chính đạt nhiều kết quả tích cực, NHCSXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn thông qua hoạt động “Gửi tiền chung tay vì người nghèo”; vận động các hội, đoàn thể nhận ủy thác, MTTQ Việt Nam các cấp gửi nguồn quỹ ngoài ngân sách tạm thời chưa sử dụng vào NHCSXH để tăng cường nguồn vốn, giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước. Công tác xử lý nợ rủi ro cũng được NHCSXH tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Thông qua việc làm tốt công tác xử lý nợ đã kịp thời chia sẻ khó khăn của người vay khi không may gặp rủi ro.

Thành tựu của TDCS chặng đường 20 năm qua được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo. Điều đó đã chứng minh được tính thực tiễn của chính sách, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của Nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện tốt và có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDCS xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay, tổ tiết kiệm và vay vốn và các điểm giao dịch xã; đơn giản hóa thủ tục, triển khai đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ; nâng cao kỹ năng và chất lượng phục vụ khách hàng. Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền về hiệu quả hoạt động TDCS, các mô hình làm ăn hiệu quả, các chủ trương, chính sách mới, về quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn... Quyết tâm đưa vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến 100% hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn; qua đó, góp phần đồng hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hồng Lâm



Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 469
  • Trong tuần: 6022
  • Tất cả: 289081

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ : 264, Thống Nhất, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. 
Điện thoại :  02593 837423 - Fax: 02593 825255     Email : ninhthuan.vbsp@gmail.com