Tổng Giám đốc
Dương Quyết Thắng phát biểu tại cuộc họp giao ban
Phát biểu tại
cuộc họp, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, năm 2021 mặc dù gặp nhiều
khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến phức tạp,
song NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác
và cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác ủy thác cho
vay, góp phần quan trọng vào thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính
sách trúng và đúng trọng tâm.
Tính đến
31.12.2021 tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 244
nghìn tỷ đồng, chiếm 98,68% tổng dư nợ, tăng hơn 19,6 nghìn tỷ đồng so với năm
2020. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,23% tổng dư nợ uỷ thác, với gần 6,4 triệu hộ vay.
Trong đó, dư
nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ đạt 93,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy
thác, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%; Hội Nông dân đạt 74 nghìn tỷ đồng, chiếm
30,28% tổng dư nợ ủy thác, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,24%; Hội Cựu chiến binh
đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,99% tổng dư nợ ủy thác, nợ quá hạn chỉ chiếm
0,25%; Đoàn TNCS HCM đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,31% tổng dư nợ ủy
thác, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3%.
Cùng với việc
tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2021 được giao, NHCSXH đã phối
hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc
nhận tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mang
lại hiệu quả thiết thực. Đến cuối năm 2021 có trên 99% số Tổ tiết kiệm và vay vốn
có số dư tiền gửi tiết kiệm của gần 6,4 triệu tổ viên, với số dư 14.730 tỷ đồng
(tăng 2.010 tỷ đồng so với năm 2020).
Quang cảnh
phiên họp giao ban giữa NHCSXH với 4 tổ chức chính trị - xã hội
Thảo luận tại
phiên họp, các đại biểu đại diện cho 4 tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung
phân tích nhiệm vụ, vai trò của mỗi bên tham gia nhận uỷ thác. Bên cạnh đó đề
xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác, trong đó cần
tiếp tục thực hiện tốt hơn việc trao đổi thông tin hai chiều giữa NHCSXH với
các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy
mạnh ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác quản
lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và phối hợp tổ chức
có hiệu quả hoạt động tại các Điểm giao dịch xã.
Nhiệm vụ trọng
tâm năm 2022 cũng đã được NHCSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác
thống nhất cao là tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng
năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và các chính sách cho vay ưu đãi trong
Chương trình phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của
Chính phủ ngày 30/1/2022, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch,
đúng đối tượng. Hoạt động ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả với dư nợ ủy thác
tăng trưởng ổn định, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã
hội; chất lượng hoạt động ủy thác tiếp tục được nâng cao. Theo đó, để hoàn
thành nhiệm vụ được giao năm 2022, NHCSXH đề nghị 4 tổ chức chính trị - xã hội
tăng cường thực hiện công tác giám sát, phản biện chính sách; chủ động báo cáo
với Đảng, Quốc hội, Chính phủ những đề xuất, kiến nghị của nhân dân về các chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng chính
sách xã hội. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính
sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.
Ngoài ra, các
ý kiến phát biểu cũng đề xuất các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tại địa
phương cần tổ chức động viên, khích lệ tinh thần chủ động, tự tin, ý chí
thoát nghèo để người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn tiếp
cận vốn tín dụng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn
vay. Chỉ đạo tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt cấp xã thực hiện tốt
nội dung công việc ủy thác; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế
phát sinh và phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động
tín dụng chính sách xã hội.
PV